4.30.2009

NGÀY XUÂN BÀN ĐẠO THƯỜNG

Kho tàng chuyện cười Phật giáo có câu chuyện thoạt nghe khá kì lạ. Một ngày nọ, có hai nhà sư trẻ gặp một cô gái đẹp như hoa như gấm. Nét long lanh xuân xanh của cô làm hai vị tăng trẻ không khỏi đem lòng ngưỡng mộ. Vị tăng thứ nhất, dùng mọi công phu kinh sách giáo lý đã tu tập để quán tưởng, rằng đàng sau vẻ yêu kiều, mỹ miều kia chỉ là vật chất xác thịt, rồi cùng với thời gian, sắc đẹp sẽ phai tàn, mỹ nữ trở về một nắm xương tàn. Chàng ngày đêm hành thiền quán tưởng, một ngày kia, chàng đứng phắt dậy và nói, ta đã hoàn toàn rũ bỏ được sân si, xa lánh được dục vọng. Ngược lại, với vị tăng thứ hai, giáo lý đức Phật không giữ được lòng chàng thanh tịnh trước vẻ đẹp hoa gấm trần gian của cô gái. Vị sư trẻ cởi bỏ áo cà sa, lấy người đẹp làm vợ. Nhưng than ôi, chỉ… mười lăm phút sau khi nên vợ nên chồng, nhà sư trẻ nhận chân cụ thể cái gọi là nắm-xương-tàn, bỗng hoàn toàn tỉnh ngộ, thấu đạt lẽ vô thường. Hóa ra đôi khi cái mà người ta tưởng là dục vọng, là sân si ấy lại không phải là dục vọng, là sân si, mà là cứu cánh Niết Bàn. Câu chuyện cười ám chỉ những kẻ tu hành xa rời Tục đế. Người tu hành sống giữa đời mà chỉ tận tín kinh sách- Đạo đế mà không thấu hiểu Tục đế- chuyện đời, thì cũng xem như chưa tu được đạo vậy. Ngẫm về lẽ vô thường, câu chuyện cười nọ gợi nhớ đến một thiên truyện ngắn đã mang về giải Nobel văn chương năm 1946 cho nhà văn Đức Hermann Hesse, Ảo Hóa (tên nguyên tác Das Glaserspiel). Chứng kiến những cuộc tàn sát người Do Thái của Đức quốc xã, gia đình trở thành nạn nhân của thế chiến thứ Hai, bản thân tác giả trải qua nhiều khổ đau và dằn vặt nội tâm về thân phận con người, cuộc hành trình về phương Đông qua Sri Lanka, Ấn Độ đã mở cho ông một con đường cứu rỗi, đó là đạo Phật, được tổng kết qua tập Đường về nội tâm (Weg nach Innen). Bằng ngòi bút văn chương dào dạt tình thương yêu con người và cảm nghiệm sâu xa về giáo lý vô thường của đạo Phật, Hermann Hesse đã trải xuống mặt đất trần gian một dải nước lóng lánh trong trẻo diệu kỳ của ảo hóa: những năm tháng cuộc đời chàng hoàng tử mục đồng Dasa vùn vụt lao qua rồi dồn lại trong một khoảnh khắc như một giấc chiêm bao. Chỉ một cái nhìn của vị ẩn sĩ- “cái nhìn lạ lùng như dò hỏi, như thương cảm, lại như cái nhìn của một cậu bé ranh mãnh xí gạt được một đứa bé khác – cái anh chàng mục tử hoàng gia này, y chỉ có ra suối lấy nước rồi trở về không hơn mười lăm phút. Vậy mà đồng thời, y cũng đi ở tù về, đã mất một người vợ, một đứa con trai, một vương quốc, đã sống trọn một đời và đã thoáng thấy bánh xe sinh tử.” Dasa là hình tượng người hướng đến đạo nhưng vì chưa trải nghiệm cuộc sống đủ nên chưa rút bỏ được quyến niệm để thực hành công phu tu tập. Dù là một tuyệt tác trước nhất về lẽ vô thường, song Ảo Hóa cũng nhắc lại một quan điểm quán xuyến trong cái đạo của trời đất, đó là chỉ có từ cuộc sống- con người mới có thể quay về với chính mình. Nếu Ảo Hóa là một sự ra đi và quay về không chủ đích trong một cơn mộng ảo, thì Câu chuyện dòng sông (nguyên tác Siddhartha) là cuộc hành trình chật vật đi tìm giải thoát khỏi giới hạn tầm thường của đời sống tẻ nhạt. Tất Đạt, nhân vật chính trong truyện, là biểu tượng của trí tuệ và lý tưởng, luôn khắc khoải đi tìm chân lý. Thiện Hữu, bạn chàng, trái lại, là người tuân phục trật tự sẵn có, hăm hở sống theo điều thiện và không bao giờ đặt nghi vấn về cuộc đời. Thiện Hữu bỏ thầy này tìm đến thầy khác, bỏ các sa môn để tìm gặp Phật, trong khi Tất Đạt chỉ muốn ra đi để tìm gặp lại chính mình. Ở Câu chuyện dòng sông, Hermann Hesse đề cập tinh thần trung đạo và cứu cánh cho mọi chướng ngại, phiền não, mê lầm chính là tình yêu thương, chứ không phải trí thức, khổ hạnh, diệt dục, giáo đường, tu viện, hay khoái lạc. Vì Thiện Hữu chỉ chăm chăm tìm giác ngộ trong giáo điều, trong cái hữu vi, mà không nhận chân rằng giáo pháp không có hình tướng, cuộc hành trình đến với đạo Phật cũng chính là cuộc hành trình trở về với chính mình, với bản năng yêu thương và cái chân tâm không tánh tự nhiên của mỗi người. “… Thiện Hữu: – Qua bao nhiêu năm tầm đạo, tôi vẫn đau khổ vì chưa tìm thấy bình an. Tôi thấy hình như anh đã đạt được Nó. Xin anh hãy nói cho tôi nghe. Tất Đạt nói: – Tôi thấy trên đời, chỉ có yêu thương là quan trọng nhất!. Thiện Hữu ngạc nhiên: – Anh nói lạ thật! Đức Phật đã khưyên kẻ tu hành không nên có những tình cảm thế tục như là sự thương yêu, bám víu. Tất Đạt: - Nhưng tôi biết tôi không nói trái với ý của Ngài! Làm sao ngài không có tình yêu, khi Ngài đã bỏ cả cuộc đời để giáo hóa con người thoát khổ, đạt đến an lạc. Ngài phải là một Con Người chan chứa tình yêu!… Thiện Hữu vẫn không hiểu những gì bạn nói, và tha thiết van nài: – Xin anh hãy nói cho tôi một lời dễ hiểu. Đời tôi đi thường gian nan và tăm tối! Tất Đạt nói như ra lệnh: – Thiện Hữu! Hãy cúi sát gần tôi và hôn trán tôi đi!” Đây là một hành vi gây chấn động mà các bậc thầy thường sử dụng để thức tỉnh môn sinh, khi ngôn từ không có hiệu quả. Nó nói lên rằng chỉ có tình yêu đi kèm với trí tuệ mới đem lại sự an lạc, giải thoát cho con người. (*) “Dù bị đau đớn quằn quại, tôi vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại này” (Und allem Weh zum Trotze beib ich. Verliebt in die verrucki Welt.) Khi Hermann Hesse nói những lời này sau Câu chuyện dòng sông, Kazantzaki-nhân-vật vẫn còn đang lạc đường trong Zorba-Con người hoan lạc với những hư từ như “tinh thần”, “vĩnh cửu”, “vô biên”, ưu tư triền miên vì nỗi muốn cảm nghiệm trần gian và thiên đàng cùng một lúc. Nikos Kazantzaki, nhà văn lớn của Hy Lạp đã trở nên thân thuộc với nhiều thế hệ độc giả người Việt qua tác phẩm Zorba, Con người hoan lạc đã nói, “Mục đích của tôi trong sáng tác không phải là cái đẹp mà là sự giải thoát.” Và Alexis Zorba chính là hình ảnh con người giải thoát mà ông muốn đạt đến. Một lần nữa, ảnh hưởng đạo Phật trong tác phẩm của một nhà văn phương Tây đã thừa nhận con đường duy nhất để giác ngộ thông qua cuộc sống. Con người không thể đạt đến tìm thấy tự do nếu biết hợp nhất mình với tánh thể- bản chất có sẵn của cuộc sống. Nhân vật chính trong truyện Kazantzaki-nhân-vật là một nhà trí thức thường xuyên uể oải với cuộc sống, không thiết ăn uống, ưa suy tính mà lại nhút nhát, thích đọc một cuốn sách về ái tình hơn là yêu một ngườI đàn bà. Còn Alexis Zorba là một công nhân vô học, đầu óc trống rỗng, mộc mạc, hồn nhiên, say sưa làm việc, đam mê ái tình, đàn ca hát xướng. Kazantzaki ngày đêm ôm mộng hoàn thành một cuốn sách về đức Phật, với mong muốn được giác ngộ, đồng thời cảm nghiệm được thiên đàng trên mặt đất. Nhưng chính Zorba, con người hăng say, dám là mình, tin vào mình và những lạc thú của mình- lại chính là người được giải thoát. Zorba là con người giác ngộ mà theo giáo lý Thiền tông, được giải thoát bởi mọi năng lực tự nhiên được khai phóng mà không hề bị cản trở bởi những giá trị gọi là lý tưởng, thông minh, hi vọng, tình yêu, thân xác... Zorba tha thiết với cuộc sống và có được tự do trọn vẹn trong cuộc sống. Hermann Hesse (1877-1962) và Nikos Kazantzaki (1883-1957) và tác phẩm của hai ông được bình chọn trong danh sách 100 nhà văn và tác phẩm có ảnh hưởng nhất của thế kỷ Hai mươi không chỉ bởi giá trị tư tưởng mà tác phẩm chuyển tải, mà còn vì tác động nhân văn đối với xã hội. Bởi vì, không có một triết lý nào vượt trên tình yêu, không có một tôn giáo nào tồn tại ngoài cuộc sống. Xin trích một thi phẩm được xướng tại cuộc họp mặt Tất Niên của tòa soạn báo Văn Hóa Phật Giáo tại Thiền viện Quảng Đức những ngày đầu tháng Chạp, gói gọn tinh yếu giáo lý đức Phật trong sáu chữ “Tâm vô thường. Pháp vô ngã.” “Tác phẩm đẹp nhất của đức Phật, thi phẩm tuyệt vời nhất của Người Không phải được thực hiện bằng ngôn ngữ, bằng văn tự Mà bằng những rung động siêu tần của trái tim Những rung động có thể gọi tên bằng nhiều tên gọi Ví dụ như Từ Bi Hỉ Xã - Thường Lạc Ngã Tịnh - Chân Tâm Không Tính như Bản Lai Diện Mục - Tình Yêu. Gọi tên là gì cũng được Chỉ biết đó là một tác phẩm- một thi phẩm tuyệt vời nhất Mà một sinh thể trong vũ trụ này có thể thực hiện được, sáng tạo được Một tác phẩm- một thi phẩm không hề được thực hiện bởi một thực hiện nào Không hề được sáng tạo bởi một sáng tạo nào Một tác phẩm vô vi. Vì đó là Tự Ngã Là cái mà ngày nào đức Phật đã miễn cưỡng xướng tên là “Thiên thượng địa hạ duy ngã độc tôn” Cái mà mọi sinh thể trong vũ trụ đều có thể bắt gặp Đều sẽ bắt gặp Trên đường trở lại Quê Hương.” (*) Quế Anh (*) theo Thích Nữ Trí Hải (**) thi phẩm Quê Hương, thơ Trụ Vũ. Tháng 1. 2007

No comments:

Post a Comment