4.30.2009
Ở KHOẢNG GIỮA ĐẤT VÀ TRỜI, CÓ MỘT TRƯƠNG THÌN NHƯ THẾ.
Ở KHOẢNG GIỮA ĐẤT VÀ TRỜI, CÓ MỘT TRƯƠNG THÌN NHƯ THẾ.
Một tượng Phật không mặt chắp tay như búp sen. Một chân dung tự tạc hoan hỉ ngoác mồm ca hát. Bức phù điêu hai mặt- điêu khắc gia nổi tiếng Phạm Văn Hạng tạc Trương Thìn, Trương Thìn tạc Phạm Văn Hạng. Một Phùng Quán đá trắng kiêu hùng phấp phới. Một thiếu nữ môi chím, mắt dài trên giấy xuyến vàng mãi mãi tuổi tròn trăng… Những tác phẩm nghệ thuật của Trương Thìn treo trên tường mỗi lúc mỗi khác, song Trương Thìn và không gian sống của ông chẳng bao giờ thay đổi. Băng qua Y Miếu, dừng chân bên vườn tượng, lên mấy bậc thang, lách người qua nhánh cổ thụ sà xuống mà ông âu yếm gọi là cây Cúi Đầu, không gian của bác sĩ Trương Thìn, cựu viện trưởng Viện Y học Dân tộc mở ra sau những ngọn tre….
Tốt nghiệp Tiến sĩ Y khoa năm 1971, nguyên viện trưởng Viện Y học Dân tộc Tp. Hồ Chí Minh từ năm 1985 đến 2004, chủ tịch hội Đông Y và hội Châm cứu Tp. Hồ Chí Minh, bác sĩ Trương Thìn là một trong những người có công xây dựng viện Y Dược học Dân tộc, truyền bá y đức cho nhiều thế hệ học trò và là người mang “cầm, kỳ, thi, họa” vào thuốc. Có nhiều cuộc đời và người ta hay nói đời thường là một cơn mộng không đẹp. Đối với Trương Thìn, đời là Đại Mộng, một cõi mơ. Và cõi mơ ấy cũng chính là cõi thật.
Nhưng mơ là không thật kia mà?
Thì có cái gì là thật đâu!
Vào cõi mơ, có phải là tự ru mình?
Không, cõi mơ là một hiện thực cực kỳ đẹp, ở đó, mọi thứ vận động ở tốc độ cực kỳ nhanh.
Hơi khó hiểu…
Ví dụ như khi ta muốn đến Ba Lê, nhắm mắt lại và vù một cái, Ba Lê đã ở trước mắt ta rồi…
Trong lịch sử thành lập viện Y học Dân tộc, chưa có vị viện trưởng nào giữ cương vị lãnh đạo lâu như ông, từ năm 1985 đến 2004. Xin được hỏi, làm lãnh đạo trong cõi mơ như thế nào ạ?
Người lãnh đạo cao cấp nhất là người không lãnh đạo. Khi tiếp quản viện năm 1985, cơ chế xã hội lúc đó khiến tình hình đời sống viên chức rất khó khăn. Không khí rã rời bao trùm cả viện. Việc đầu tiên cần làm là mở lớp cắm hoa. Thế là viện có những bình hoa đẹp. Khi ở một nơi chỉ có lý mà không có tình thì mình đem tình tới. Mỗi ngày đều hỏi hôm nay sinh nhật ai. Thế rồi nhạc và thơ được mang vào. Những bài thơ của ông tổ Hải Thượng Lãn Ông được phổ thành nhạc. Những đêm thơ xuất hiện. 72 bản nhạc phổ thơ nhà thơ Trụ Vũ, Kiều của Nguyễn Du, Chinh Phụ Ngâm, Nguyễn Bính, Bích Khê…Cũng từ dạo đó tôi lao vào vẽ tranh, đặc biệt là tranh hoa. Khuôn viên viện xanh hơn nhờ những vuông cỏ của các học trò. Ban lãnh đạo viện tìm cách kéo bác sĩ ở lại bằng cách loại bỏ chủ nghĩa bình quân. Ai khám nhiều hưởng nhiều, khám ít hưởng ít. Đời sống bác sĩ được cải thiện, họ không còn phải bỏ ra ngoài làm thêm. Thế là buổi sáng mọi người bắt đầu đi làm sớm, trên môi có nụ cười…
Người nào cũng có một cõi mơ…
Đúng vậy. Ai cũng có cõi mơ của riêng mình. Hãy thức nó dậy! Hãy dìu người khác vào cõi mơ. Hãy biến cuộc đời thành một giấc mơ đẹp!
Khi tạc tượng, ông có dẫn những nhân vật đó vào cõi mơ của ông không? Ông quan tâm đến bức tượng nói gì hay người ngắm tượng sẽ cảm thấy gì?
Mình không làm vừa lòng ai. Giữa mình và tượng có một cuộc đối thoại song phương. Họ nói có một cõi lạ lắm. Không giống như lẽ đời. Không giống như triết học. Không giống như lý luận. Nằm ngoài thường thức, nó là siêu thức.
Tại sao hầu hết các bức tượng của ông đều nhắm mắt?
Vì khi nhắm mắt người ta thấy được nhiều hơn. Thực sự có bao giờ chúng ta nhìn rõ được nhau đâu. Như khi ta nhìn Trăng, đó đâu phải là Trăng. Đó là mặt Trăng được nhìn qua khí quyển, qua võng mạc, qua sức khỏe. Nhưng có một lúc giữa ta và Trăng không có bụi mờ. Đó là siêu thức. Luôn có một lớp bụi mù dày đặc giữa hai người. Lớp bụi của tư lợi làm lệch đi cái nhìn của mỗi người đối với nhau. Khi ta nhìn người qua sự hiểu biết của ta, lấy kiến thức làm thước đo thì mọi cánh cửa đến với nhau đều bị đóng. Sứ mạng của người nghệ sĩ và của thiền sư là giúp mọi người nhìn thấy sự thật, thấy một thế giới trong hơn. Nghệ sĩ là những người tội nghiệp. Không bằng lòng với chính mình, không bằng lòng với cuộc sống thì không thể nhìn cuộc sống trong như nó vốn có.
Còn những nghệ sĩ chủ tâm lấy đau thương làm gốc?
Đó là những văn công, là người làm bộ làm tịch.
Thế họ có tội không?
Họ tội nghiệp.
Còn những vị thiền sư?
Người nào nói được câu “Nhân sinh là cõi tội nghiệp” đã là cao nhân.
Như vậy có kẻ cả lắm không?
Không, mà là kẻ tối thượng. Tưởng tượng nếu đứng ở một vì sao to gấp ngàn lần quả đất, nhìn về trái đất chỉ là một điểm. Quả địa cầu này quá nhỏ bé, sao phải ngồi đó mất công xâu xé nhau? Một cuộc chơi như vậy thì nhập cuộc làm gì? Ở yên đã là dễ thương lắm rồi. Làm thơ là dễ thương lắm rồi.
Thiền sư cũng phải là người tạo ra sự thay đổi…
Chỉ riêng về mặt sinh học, mỗi người có tuổi thọ hàng triệu năm. Làm sao trong vài chục năm mà thay đổi được? Nếu có sự thay đổi, tất cả đã phải diễn ra từ lâu lắm. Bi kịch của con người là không thấy được giá trị của mình. Khi đứa trẻ ba tuổi, nó hát hay, vẽ đẹp. Cũng đứa bé ấy khi tám tuổi, mười tuổi, nó bắt đầu biết mắc cỡ và hát không còn hay. Rồi nó được học vẽ, nó biết muốn vẽ đẹp thì phải học. Cái gì nó không học thì không được làm. Chính những lượng giá của giáo dục đóng dần những cánh cửa của một kho báu.
Trở lại với vai trò của người nghệ sĩ với những cánh cửa tự do?
Những nhà thơ, nhà văn ru ngủ người ta trong những con đường bình yên chỉ được gọi là văn công. Mà văn công thì không giải phóng ai cả. Nghệ sĩ thực sự là những người sống tương đối lung tung…
Lung tung theo nghĩa nào thưa ông?
Theo nghĩa ngoài những khuôn phép. Khi nhận ra khuôn phép không có giá trị gì thì đó là một sự lung tung rất dễ thương.
Sự lung tung rất dễ thương ấy nhất định phải đến từ sự hồn nhiên. Nhưng năng lực hồn nhiên đến từ đâu?
Khi qua cái cầu hiểu biết, đến một lúc nào đấy những người thông thái muốn rũ bỏ hết tất cả để quay về trạng thái vô nhiễm hồn nhiên. Khi những người thông thái hồn nhiên, người đời gọi là đạt đạo. Còn một dạng hồn nhiên khác, hồn nhiên bẩm sinh thì người đời cho là ngô nghê.
Một cái đến từ cái rất có, một cái đến từ cái rất không. Vậy cái nào có giá trị thực sự?
Thực ra nó là một thôi. Hiếm có người học sâu mà vẫn giữ được hồn nhiên. Có thể họ ra vẻ, nhưng chưa chắc.
Ông dẫn người ta vào cõi mơ, cõi hiền hòa, mà sao vẫn lục lọi mình bằng những cuộc hành trình nội tại? Phải chăng ông cũng không bình yên?
Tôi chỉ giả đò bình yên để người ta phục, để người ta bình yên lây. Trời đất có bao giờ bình yên, thì cớ gì mình bình yên? Bởi vì người ta ca ngợi sự bình yên quá. Tại sao ta không đi tìm niềm vui trong sự không bình yên. Không bình yên không có nghĩa là bất an. Sóng cứ nổi, mình lượn theo sóng. “Tâm viên ý mã” ư? Thì mình cứ làm con khỉ, con ngựa nhảy lung tung, có sao đâu?
Ông có rất nhiều sách của Osho. Đó có phải là người bạn lớn của ông?
Đọc Osho giống như tìm người bạn tâm sự. Ông ấy nói gì cứ nói, mình nghe gì cứ nghe.
Còn người bạn đời?
Đó là một người rất hiểu và rất ít nói. Đàn ông tu luyện cho lắm cũng để chỉ thành đàn bà. Người đàn ông ưa lang thang phiêu bạt thì tu để mà trụ lại. Người nóng nảy thì tu để được điềm nhiên. Kẻ vô tâm tu để lưu được chút tình. Trên con đường đạt đến sự hoàn thiện, người đàn bà đi trước người đàn ông xa lắm.
Thế đàn bà khi tu, đàn bà thành gì?
Đàn bà tu để khỏi trở thành đàn ông.
Những bức tranh của ông hầu như không thuộc về một trường phái nào cả, khi tươi sáng, lúc lờ mờ hỗn độn. Phải chăng nó đến từ những cơn mơ?
Đó là một thế giới lung tung! Với tôi, vẽ tranh là vẽ mình, là phơi bày một sự thật không thể che dấu. Mọi người đều phải có áo quần để che thân. Phải có giày dép để che chân. Phải có nón mũ để che đầu. Phải có mặt nạ để che mặt. Vẽ tranh là cởi hết để cho mình nhìn mình. Mình thế nào thì cứ hồn nhiên, tự nhiên như thế ấy.
Lúc màu nước, lúc mực tàu, lúc sơn sơn dầu, lúc giấy dó, lúc giấy vò, lúc giấy dán. Bừa phứa hay có chủ đích? Một sự bùng nổ hay chắt chiu? Hiểu thế nào cho đúng về sự hồn nhiên trong nghệ thuật của Trương Thìn?
Tôi thèm khát cái đẹp. Vậy thì tôi vẽ cái gì đẹp cũng được. Thậm chí vẽ không cái gì cả miễn thấy đẹp là được. Bởi vậy có ai hỏi tôi anh vẽ gì đấy, tôi trả lời: Tôi vẽ đẹp!
Tôi muốn có gì vui. Vậy thì tôi vẽ cái gì vui cũng được; thậm chí vẽ không cái gì hết mà sao đường nét sắc màu ấy làm mình vui là được. Bởi vậy có ai hỏi tôi anh vẽ gì đây, tôi trả lời: Tôi vẽ vui!
Tôi muốn tìm sung sướng trong nỗi buồn. Vậy thì tôi vẽ cái gì buồn cũng được; thậm chí vẽ không cái gì hết mà sao nhìn thấy buồn buồn thế nào ấy là được. Bởi vậy có ai hỏi tôi anh vẽ gì đấy, tôi trả lời: Tôi vẽ buồn cho sướng!
Và có khi tôi không muốn gì hết. Có khi tôi chẳng nghĩ suy tưởng nhớ gì hết, thì …thì tôi vẽ lung tung cho sướng tay. Vẽ mà không vẽ gì hết thì không bị ràng buộc gì hết! Và cuối cùng, tôi được những bức tranh lạ, bất ngờ, bức tranh ngoài ý nghĩa, ngoài ý muốn, ngoài ý thức. Bức tranh của vu vơ, không nói nên lời nên lời cứ chập chờn. Hạnh phúc xôn xao…
Vườn tượng dưới sân có thêm mấy khuôn tượng trông mới và nhe,ï hình như vừa được đúc lại…
Vâng. Đó là những tượng đúc lại bằng composite. Tượng Trịnh Công gửi cho gia đình Trịnh Công Sơn. Tượng Bùi Giáng gửi cho gia đình Bùi Giáng.
Xin hỏi, có phải gia đình các nghệ sĩ xin tạc lại?
Người ta chê tượng xấu. Không ai xin cả.
Trước đây ông từng nói tạc tượng rất khổ công, rất tốn thời gian, nhưng nếu bây giờ làm thì sẽ làm nhanh lắm. Tại sao vậy?
Trước kia khi tạc thì chăm chắm tạc cho giống. Bây giờ thì không thế nữa. Giống như khi chơi nhạc, ta đuổi kinh nghiệm đi để được trống rỗng, nhạc chạy vào như dòng thác vô tận. Mất hàng triệu năm để tạc ra một con người. Trời đã tạc rồi thì ta tạc làm chi nữa? Tạc một người đến tận cùng thì cũng chỉ giống người ta. Khổ lắm. Đừng dại. Tạc cho ra nụ cười ông Trịnh Công Sơn quá khó! Tạc cho ra đôi mắt Bùi Giáng quá khó!
Thường những nhân vật Trương Thìn tạc đều lột được cái thần thường trực rất hoàn hảo, duy có Bùi Giáng là nằm ngoài cái vẻ tinh quái thường trực. Bức tượng ấy phảng phất cái phần ngây ngô, thánh thiện hiếm hoi đâu đấy của Bùi Giáng. Đó cũng là một trong số hiếm những tượng không nhắm mắt…
Còn nhớ khi tạc Bùi Giáng trong đêm, tự nhiên có lúc thấy con mắt tượng chuyển động. Giật cả mình! Không nhớ ánh trăng hay ánh đèn chiếu vào. Khoảnh khắc ấy tôi nghĩ “Đạt rồi! Thế là đạt rồi!” Nhưng giờ ngẫm lại, đạt cho lắm thì cũng giống Bùi Giáng thôi.
Cách ông cười hiền hiền và nói “Sướng quá!” bằng giọng Huế chầm chậm và nằng nặng mỗi khi ngất ngây trước những xúc cảm nghệ thuật khiến một người bạn đã đặt ông là ông Bụt. Mấy chục năm nay, biệt danh ông Bụt đã chết luôn trong cách gọi của bạn bè…
Một ông Bụt hoang đàng! Lang thang từ địa ngục đến thiên đàng. “Địa ngục đó, cổng thiên đường mở rộng. Tội lỗi này thánh thiện sáng kim cương.” Câu thơ ấy tôi viết từ hồi 1970.
Thiên đàng có thể là khoảnh khắc khi ông thấy mắt Bùi Giáng chuyển động. Thế còn địa ngục?
Chiến tranh là địa ngục.
Với Trương Thìn, còn giấc mơ nào chưa trọn vẹn?
Không có giấc mơ nào trọn vẹn. Chỉ có từng phút giây là trọn vẹn. Sống không có mục đích, sướng chi lạ! Khi không có mục đích ta lại có vô số mục đích. Hạnh phúc sao khi từng điểm một trên con đường mình đi đều là mục đích.
Xin được phép hỏi câu cuối, là một nghệ sĩ, ông nghĩ mình đã đạt đến ngưỡng trong trẻo chưa?
Dường như hơi trong!
“Khi trời nhớ người yêu
Trời vẽ trăng sao
Khi đất nhớ người yêu
Đất vẽ dòng sông xanh
Khi trời đất nhớ nhau
Trời đất vẽ
em và anh…”
Trong Trương Thìn có cả ngàn bài thơ chưa được viết. Ngàn bản nhạc chưa được ca. Ngàn bức tranh chưa được vẽ. Tiếng lòng hân hoan mà tĩnh lặng của Trương Thìn có mấy người được nghe. Nhưng chỉ những vần thơ kia thôi, cũng đủ để những ai yêu Trương Thìn nhớ mãi đến ông và bài thơ tình đáng được liệt vào hàng hay nhất thế giới của mọi thời đại.
Ở khoảng giữa đất và trời, có một Trương Thìn như thế.
Xin cảm ơn và chúc ông thật nhiều sức khỏe.
Quế Anh
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment