4.30.2009

TRƯƠNG THÌN: SINH MỆNH TRANH TỪ MỘT NGƯỜI CHƠI

Trong hội họa, Trương Thìn không phải là một họa sĩ bác sĩ, mà là một người chơi. Chính vì mang tâm lý của một người chơi vô ngại vô lo, Trương Thìn nắm được chìa khóa mở vào cõi Chân-Thiện-Mỹ. “Họa sĩ tức phi họa sĩ thị danh họa sĩ” Không được đào tạo trường lớp, nên không biết xếp Trương Thìn vào thế hệ họa sĩ nào, trường phái nào. Gần 25 năm chơi đùa với màu sắc, ông tạo sinh mệnh cho hơn 6.000 bức tranh đủ các thể loại: sơn dầu, thủy mặc, màu nước, giấy dán, sơn phun… Trương Thìn không phải họa sĩ mà đích thị là một họa sĩ, bởi sự công phu, niềm đam mê và thành quả lao động nghệ thuật của ông có thể sánh với bất kỳ một họa sĩ chân chính nào. Trương Thìn vẽ tranh gần mình. Từ khi cầm cọ, ông mê vẽ hoa và vẽ hoài không chán. Với ông, hoa là cội nguồn. Vẽ hoa là bản năng, khát vọng muôn đời của sinh linh được tựu thành, được kết trái, được hoài thai, được tái sinh. Vẽ hoa là xóa bỏ khoảng cách với thiên nhiên, hợp nhất với thiên nhiên, hợp nhất vẻ đẹp trần và chân của người nam, người nữ. Với Trương Thìn, hội họa không là công cụ chuyển tải. Nó có đời sống riêng, sinh mệnh riêng, chỉ thông qua người họa sĩ để chảy ra. Khi ấy mỗi nét vẽ, mỗi cái chấm, mỗi giọt mực nhiễu trên giấy đều trở thành mục đích. Họa sĩ biến thành người thưởng lãm. Không theo trường phái nên trong Trương Thìn có tất cả mọi trường phái. Ông hồn nhiên vẽ, hồn nhiên chép, hồn nhiên thử, để rồi trong những phút vẽ như thiền, tranh ông đạt đến trạng thái xuất thần. Đó là khi một bông hoa mang trong mình nét ngây của hàng vạn bông hoa, một người nữ mang trong mình vẻ đẹp của mọi người nữ, một tế bào mang trong mình mầm sống của triệu tế bào. Tất cả tác phẩm nghệ thuật đều cần một chữ ký. Chẳng có gì hơn là dấu ấn của người nghệ sĩ trên một sinh mệnh tranh, nhưng đó là sự biết ơn của tác phẩm đối với người nghệ sĩ nó đã chọn để ra đời.

No comments:

Post a Comment