5.18.2009
BRUCE BEAUCHAMP – ÔNG BỤT TRÊN CÁNH ĐỒNG TƯƠI ĐẸP
Đầu thế kỷ XVIII, những cư dân châu Âu chăm làm, khát vọng về một vùng đất tự do, trù phú đã mang những ngành nghề truyền thống đến kiến tạo Tân Thế giới. Trong số những gia đình trở nên vẻ vang có họ Vanberbilt từ Hà Lan với công nghiệp đường sắt, Rockefeller từ Đức với khai thác dầu mỏ, DuPon từ Pháp với chế tạo hóa chất… và Beauchamp với nghề kiến trúc, xây dựng và xây cầu. Người nhà Beauchamp dường như được mang chung một họ để thực hiện sứ mạng với những công trình xây dựng khắp nơi trên thế giới. Đã từ lâu, một trong những hậu duệ đó đang tiếp tục hoàn thành phần việc của mình tại Việt Nam. Beauchamp – gốc Pháp nghĩa là “Cánh đồng tươi đẹp”.
Đến Việt Nam từ năm 1993, khi xác pháo còn đỏ rực đường ngày Tết, khách sạn New World chưa xây và điện thoại di động to bằng chai nước suối, Bruce Beauchamp là một trong số ít doanh nhân nước ngoài có mặt từ rất sớm và là chứng nhân cho sự phát triển của Tp. Hồ Chí Minh nói riêng, cả nước nói chung. Nói tiếng Anh giọng Úc, khuôn mặt rất Pháp, đi đứng thì như người Việt, giám đốc dự án công ty Sino-Pacific chuyên tư vấn xây dựng cho Phú Mỹ Hưng, có đôi mắt sáng hấp háy dưới đôi mày phơ phơ bạc, khi nói cứ hay cười tủm tỉm như ông Bụt đang kể chuyện ngụ ngôn.
Ký ức của Bruce về thành phố những năm mới mở cửa sống động và thuộc dạng “sao mà quên được”. Dạo mới đến Việt Nam, ban ngày đi làm, ban đêm Bruce đi dạy tiếng Anh ở trung tâm ngoại ngữ. Thời ấy điều kiện dạy và học vẫn còn rất thô sơ - bảng đen, phấn trắng, quạt máy, nhưng không sao quên được ấn tượng về thái độ lễ phép và trọng thầy của học trò Việt Nam. Bruce thích dạy học vì đối với ông, dạy nghĩa là học, là niềm vui được chia sẻ kiến thức.
Ban đầu, Bruce không tài nào học được tiếng Việt vì nhờ đồng nghiệp trong trường dạy tiếng Việt chưa được bao lâu thì họ lại tranh thủ luyện tiếng Anh với Bruce. Trung tâm ngoại ngữ cũng là nơi ông gặp cô học trò dược sỹ nhiều năm sau trở thành người bạn đời của mình và là người ươm hồn Việt cho Bruce. Chính chị là người đã Việt hóa chàng kỹ sư xây dựng thích nghe Bob Dylan, jazz “đen” chính hiệu New Orleans bằng những cuộc chuyện trò thuần Việt trước khi ngủ, nào là Trạng Quỳnh và mầm đá, nhạc Trịnh cùng Khánh Ly, âm lịch và tục thờ tổ tiên…
Bruce vẫn thường kể lại kỷ niệm nhớ đời của anh khi lần đầu tiên được dẫn về trình diện bố mẹ vợ. Trên đường về nhà, đã tập đi tập lại mỗi bốn chữ “Thưa ba, thưa má” thuộc lòng như cháo loãng, thế mà lúc trình diện líu quíu thế nào lại nói thành “Thưa bá, thưa ma”. Cả nhà vợ được một phen nghiêng ngả. Còn Bruce đến bây giờ vẫn cảm thấy xấu hổ vì gọi nhầm phụ mẫu là “ghost” (nghĩa là “ma”).
Trở lại Việt Nam làm giám đốc dự án cho Sino-Pacific lần này là một quyết được cân nhắc rất lâu của vợ chồng Bruce. Sau ba năm quay lại Úc làm việc và tiếp tục hoàn thành chương trình tiến sỹ với đề tài nghiên cứu sự bền vững cho các toà nhà cao tầng, Bruce đã dìu vợ vượt qua những khó khăn khi hòa nhập cuộc sống quê chồng và gầy dựng thành công một cửa hiệu thời trang tại Sydney. Rời quê hương thứ hai trong lúc sự nghiệp của vợ đang trên đà phát triển là một khó khăn hai vợ chồng phải vượt qua lần nữa.
Năm 1999, Phú Mỹ Hưng chỉ có 4 toà nhà, đến nay, nhìn từ văn phòng Bruce tại tòa nhà Lawrence trên đại lộ Nguyễn Văn Linh, một đô thị đang từ tốn vươn lên trong mảng xanh hài hòa và thịnh vượng. Là công dân Úc, đất nước chỉ có bề dày hai trăm năm lịch sử nhưng đang sở hữu là một không khí kinh tế-chính trị quốc tế sôi động, song trong Bruce là một lòng hoài cổ, tri ân mênh mang về nguồn gốc châu Âu của mình, khao khát chất dân tộc trong văn hóa truyền thống mà xã hội phát triển ngày nay chỉ như lớp gỗ bên ngoài của một cái cây đang lớn.
Năm 1995 đối với một doanh nhân nước ngoài như Bruce là năm đáng nhớ của nhiều chuyển biến mạnh mẽ, trong điều kiện kinh doanh và đời sống xã hội tại thành phố. Cùng với sự mọc lên của những tòa nhà văn phòng như Saigon Tower, Metropolitan, các khu công nghiệp, tập đoàn đầu tư quốc tế vào cuộc, Bruce tự hào về sự phát triển của hệ thống pháp luật, thông tin, cơ hội việc làm, tiềm năng thị trường Việt Nam một cách sâu sắc và hoan hỉ trong tâm thế của người nhà, người trong cuộc, chứng nhân của Sài Gòn trước khi khoác lên mình diện mạo tươm tất của một đô thị đa văn hóa tại quốc gia đang phát triển.
Đối với Bruce, phát triển bền vững là phát triển cân bằng giữa sức đẩy của hiện đại hóa và sức kéo tính tự bảo tồn của văn hóa truyền thống. Là một nhà xây dựng, song Bruce tâm niệm phải để lại thứ gì ý nghĩa hơn cho lũ trẻ để chúng nhớ về khi đi xa, chứ không chỉ là những xa lộ, cao ốc, những thành phố tiểu New York.
Mỗi lần đặt chân về quê hương Kan-gu-roo, Bruce Beauchamp lại thốt lên, “Sao không khí trong lành thế, sao đường phố yên ắng thế, nhưng mọi người đâu cả rồi?”
Chuyện của Bụt thường không có hồi kết. Có lẽ phát triển cân bằng còn là giấc mơ về một nền văn hóa cộng đồng đủ mạnh mẽ, phóng khoáng để cho không gian và dưỡng khí, mà cũng đủ dịu dàng, trầm mặc để ôm ấp một con người trong nỗi băn khoăn vuông tròn bất tận của mình.
Quế Anh
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment