5.18.2009

JIMMY PHẠM – CHÀNG HƯỚNG DẪN TRÊN CHUYẾN LỮ HÀNH CUỘC ĐỜI

Ở tuổi 34, đi qua 35 nước, trông Jimmy Phạm (tên đầy đủ Phạm Việt Tuấn) già dặn và từng trải hơn nhiều so với tuổi. Là người sáng lập KOTO- tổ chức phi lợi nhuận dạy nghề cho trẻ đường phố, và điều hành Le Pub- hệ thống quán bar tại Hà Nội & Sài Gòn, dường như Jimmy Phạm được sinh ra để làm người hướng dẫn- không chỉ cho riêng anh, mà còn cho nhiều thân phận anh gặp trên chuyến lữ hành dài của cuộc đời. KOTO Xuất thân là hướng dẫn viên du lịch cho Travel Indochina, British Airways, có lẽ chàng thanh niên người Úc mang trong mình hai dòng máu Việt-Hàn cũng không ngờ có ngày mình dừng chân, mà lại dừng lâu đến thế tại Việt Nam quê mẹ, nơi khi ra đi anh chỉ là một cậu bé vài tuổi. Cuộc đối thoại đánh dấu bước ngoặt trong đời xảy ra trên đường phố Hà Nội vào năm 1996 giữa Jimmy và một nhóm trẻ đường phố. Khi anh hỏi chúng muốn gì từ cuộc sống, chúng trả lời đơn giản, rằng “tụi em cần kỹ năng để kiếm được việc làm ổn định”, thế là ý niệm về một KOTO nẩy mầm trong Jimmy. Để rồi năm 1998, Jimmy Phạm và một nhóm tình nguyện viên, chuyên gia người Úc hoạt động trong nhiều lĩnh vực cùng sáng lập một tổ chức từ thiện giúp trẻ đường phố khó khăn tại Việt Nam. KOTO ra đời, viết tắt của cụm từ Know One Teach One (Biết một dạy một) – là phương châm và nguyện vọng của tổ chức. KOTO là mô hình trường dạy nghề nhằm cung cấp kỹ năng cần thiết cho các học viên được tuyển chọn từ trẻ đường phố, tạo điều kiện cho các em học được nghề và trang bị kiến thức cũng như kỹ năng sống để tự xây dựng cho mình một tương lai tốt đẹp hơn. Tính từ năm 2000 đến nay, KOTO đã có bảy khóa, trong đó khóa Bảy sắp tốt nghiệp, với thời gian học mỗi khóa kéo dài 18 tháng. Cứ mỗi sáu tháng KOTO lại lên kế hoạch tuyển và đào tạo hai mươi lăm em trong độ tuổi từ 16 đến 22 có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chuyên sống và làm việc trên đường phố. Qui trình tuyển chọn của KOTO được thực hiện bài bản từ khâu làm câu hỏi trắc nghiệm trình độ, khả năng tiếp thu, đến phỏng vấn trực tiếp để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, năng khiếu của từng em. Qua vòng sơ tuyển, tình nguyện viên KOTO còn đi về từng địa phương để kiểm tra những thông tin gia đình và hoàn cảnh mà các em đã cung cấp. Dưới sự dẫn dắt của người sáng lập, KOTO tập trung phát triển đúng hướng được định vị ngay từ đầu của mình là trường dạy kỹ năng làm bếp nhà hàng khách sạn, cung cấp kỹ năng và kiến thức cơ bản về bồi, bàn & bếp Á, bếp Âu. Không chỉ học chuyên môn, học viên ở KOTO còn phải học tiếng Anh và thực hành kỹ năng làm bếp trực tiếp tại nhà hàng KOTO đối diện Văn Miếu, vốn được mở ra với hai mục đích, vừa là nơi để học viên vừa học vừa hành, vừa là nơi bổ sung nguồn thu nhập cho học viên và trang trải thêm chi phí cho KOTO. Theo Jimmy, điều đáng mừng là tuy đời sống mưu sinh khó khăn nhưng tỉ lệ biết đọc biết viết của trẻ đường phố tại Việt Nam là khá cao. Đây là điều đáng mừng vì các em có được một cái nền tối thiểu để tiếp tục học và phát triển các kỹ năng khác. Sau khi tốt nghiệp, học viên tại KOTO được cấp chứng chỉ được quốc tế công nhận, cấp bởi trường dạy nghề Box Hill TAFE, Úc. Đa số các em tốt nghiệp kiếm được việc làm ổn định tại nhà hàng khách sạn 4-5 sao tại Hà Nội, hoặc ở lại trở thành giảng viên cho các khóa sau tại KOTO. Tâm niệm dạy nghề thôi chưa đủ, KOTO và những người điều hành tin tưởng rằng để thành công trong cuộc sống, những học viên của KOTO cần trang bị những kỹ năng xã hội khác để tự tin và hòa nhập với cuộc sống. Vì thế, chương trình sinh hoạt của KOTO còn bao gồm cả việc hướng dẫn kiến thức về sức khỏe sinh sản, kiến thức cơ bản về sơ cứu y tế, rèn luyện sức khỏe, thể thao, dã ngoại, từ thiện, sáng tạo và trao đổi văn hóa… Hoàn thành chương trình học ở KOTO, các bạn trẻ đường phố không chỉ phát triển kỹ năng nghề nghiệp, mà còn được định hướng trở thành những nhân viên đáng tin cậy, phát triển cân bằng cả thể chất và tinh thần, hướng đến những giá trị truyền thống được đề cao trong xã hội Việt Nam như tính trung thực, tận tụy, trách nhiệm, thương người và cống hiến cho cộng đồng. Và LE PUB Chênh chếch đối diện chùa An Lạc, khuất trong một con hẻm trên khu phố Tây ở Phạm Ngũ Lão, Tp. Hồ Chí Minh, Le Pub – cái tên khiêm tốn, trên tấm bảng hiệu khiêm tốn, thể hiện một phong cách đơn giản đến mức tối giản. Gần mười năm sau khi thành lập, khi KOTO đã bắt đầu đi vào ổn định, Jimmy trao lại dây cương điều hành KOTO và tiếp tục cuộc lữ hành trong sự nghiệp xây dựng một mô hình du lịch mới. Le Pub Hà Nội đối diện chợ Hàng Bè, một trong bộ tam Hàng Bè- Hàng Bạc- Hàng Bồ vốn được xem là những phố Tây ở Hà Nội. Song có vào Sài Gòn mới thấm nhiều điểm khác biệt trong khẩu vị của khách du lịch đặc trưng đến mỗi vùng. Khách Hà Nội thích beer, ngồi lâu, chất cố đô lan cả vào quán bar, khách Sài Gòn thích cocktail, di chuyển nhanh, tràn ngập không khí hội nhập quốc tế…Và dường như ở Sài Gòn, người ta hiểu được khách du lịch muốn gì. Le Pub không giống bất kỳ quán bar nào khác. Không đơn điệu, dễ dãi như nhiều bar-pub trên Đề Thám, không rộn rịp xô bồ như Seven Teen Saloon, Le Pub có màu riêng, đó là cảm giác ấm áp của màu đỏ và ấn tượng về sự trường tồn của gỗ. Jimmy cho rằng, dù đi du lịch ở đâu, người ta vẫn luôn dành một khoảng thời gian để tìm về cảm giác như được ở quê nhà. Đó là lý do vì sao ngoài những đường nét bản sắc Việt cần thiết ở một thành phố du lịch, những quán nhỏ dành cho khách Tây vẫn được thừa nhận như một phần văn hóa không thể thiếu, mà nếu khai thác đúng cách, có thể tạo ra những mảng màu mới cho bức tranh văn hóa du lịch, ẩm thực. Khác với những quán rượu Tây thường chọn Happy Hour tránh trùng giờ cao điểm để khuyến mãi, Happy Hour ở Le Pub được mở cho suốt cả tuần. Ví dụ như chỉ với mười lăm ngàn, thứ Hai bạn sẽ được phục vụ một ly Tequilla, thứ Ba, là Voka, thứ Tư là Gin & Tonic, thứ Năm, Sáu, Bảy, bia tươi Tiger hoặc cocktail giá chỉ hai mươi ngàn cho tất cả các loại… Đến chơi tại Le Pub, khách có thể thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật của những nghệ sĩ nước ngoài đang sống và làm việc tại Việt Nam. Gần đây nhất, “phòng trưng bày” Le Pub giới thiệu bộ sưu tập ảnh chụp và tranh vẽ cảm nhận về đất nước và con người Việt Nam mang tên “Double Vision” (Tầm nhìn đôi) của hai nghệ sĩ Fred Wissink và David Ball. Với kinh nghiệm mười năm trong ngành du lịch, Jimmy đang ấp ủ mô hình PIT (Possitve Impact Tourism) và Responsible Travel, đặt ra tinh thần trách nhiệm đối với môi trường cho khách du lịch và mang lại những cảm hứng, kinh nghiệm mới cho các tour du lịch còn rất nhiều tiềm năng tại Việt Nam. Tháng Tư này, Jimmy – Phạm Việt Tuấn sẽ tổ chức sinh nhật cho mẹ tại KOTO Hà Nội. Những người anh em của anh ở khắp nơi cũng sẽ tề tựu về. Đẹp biết bao tấm lòng những người con xa xứ luôn hướng về quê cha đất mẹ! Quế Anh

No comments:

Post a Comment