5.18.2009
THIN LEI WIN & SÀI GÒN – CHIẾC CẦU NỐI NHỮNG NGUỒN VUI
Tóc đen nhánh, mắt mí lót, da bánh mật, chân mày lan lan tự nhiên, trông Thin như một thiếu nữ đến từ thảo nguyên nắng và gió, còn nguyên vẻ mộc mạc khỏe khoắn và vị ngòn ngọt thuần khiết của cỏ, của sương. Thin cuốn hút người đối diện bằng lối trò chuyện liến thoắng và giữ lửa bằng sự chừng mực trong một giọng Anh dễ nghe, quá êm và ấm để tạo ra một xung động gọn gàng bao quanh từ trường màu nâu của mình.
Quê hương. Người viết. Đôi bạn & duyên đến Việt Nam
Quê hương Thin, cố đô Rangoon, Myanmar dưới thời đế quốc Anh từng là trung tâm xuất khẩu nông lâm, sản vật quí hiếm, với cơ sở hạ tầng ngang với Luân Đôn. Sau trận động đất năm 1930 và chiến tranh thế giới thứ hai, Rangoon bị thiệt hại nặng nề và liên tiếp trải qua nhiều biến động chính trị cho đến năm 1989, Rangoon chính thức đổi thành Yangon. Từng được chọn làm nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh Phật giáo Thế giới năm 2004, song cho đến nay, quê hương Yangon vẫn là một nơi Thin hướng về với nhiều ưu tư, khắc khoải.
Thin kể lại rằng cô may mắn được cha mẹ là những người có tầm nhìn luôn khuyến khích cô học tiếng Anh và hướng cô ra thế giới. Những năm đầu đại học, trường đại học Yangon gặp nhiều biến động khiến sinh viên phải nghỉ, Thin đến Singapore và tiếp tục hoàn thành cử nhân kinh tế. Tốt nghiệp đại học, Thin phụ trách về truyền thông và marketing cho một hãng tư vấn luật. Nhưng tính thích giao tiếp và không chịu ngồi yên một chỗ đã mang Thin rẽ lối đến với nghiệp viết lách và hoàn thành cao học Báo chí một năm tại Anh.
Khi vị hôn phu nhận lời mời công tác tại Việt Nam, Thin cùng anh đến Sài Gòn trong chuyến đi ba ngày để có quyết định về nơi an cư lạc nghiệp. Đôi bạn trẻ đến thành phố đúng dịp lễ hội Oktoberfest cách đây hai năm và được mời tham gia đêm hội tại Windsor. Chính nhờ đêm tiệc vui ấy, đôi bạn trẻ quyết định nhận công tác tại Việt Nam vì một lẽ rằng, chính những người bạn gặp, chứ không phải sự phát triển về kỹ thuật – là yếu tố giữ bạn ở lại. Thin hiện đang làm cho tạp chí Asia Life in Vietnam, song không lúc nào cô tự nhận mình là nhà báo. Thin thích được gọi là người viết.
Gần hai năm ở Việt Nam, Thin cùng chồng đã đi thăm thú nhiều nơi dọc dải đất cong cong Việt Nam. Từ Hà Nội, Hạ Long, Hải Phòng, vùng núi Tây Bắc, dải đất miền Trung, Cao nguyên và đồng bằng Nam bộ, ở đâu, đôi bạn trẻ cũng thể hiện là những người quan sát tốt qua những bức ảnh chụp phong cảnh và con người có chiều sâu, thể hiện một sự chiêm ngưỡng lắng đọng. Hàng trăm bức ảnh cảnh vật và con người Việt Nam được đưa lên trang web cá nhân để chia sẻ với bạn bè gần xa thực sự là một bộ sưu tập có ý nghĩa về tinh thần và thời gian không chỉ với riêng tình yêu của đôi bạn trẻ.
Với Sài Gòn. Và chiếc cầu nối những nguồn vui
Ở một nước đang phát triển, người ta có cơ hội để nhìn thấy nhiều hơn. Khi tòa tháp Truyền hình thành phố khánh thành với ánh đèn màu thay đổi vào mỗi đêm, khi Saigon Square được dỡ xuống để Kumho mọc lên, những cao ốc văn phòng và nhà ở trong nội thành vươn mới, có biết bao niềm vui, nỗi buồn qua đi trong lòng những con người đang chia sẻ cái không gian đô thị nhỏ bé nhiều ẩn ức và hớn hở này. Công việc của Thin, người viết cho tạp chí văn hóa- du lịch- giải trí, là giới thiệu một phần đời sống Sài Gòn cho độc giả nước ngoài đến du lịch hay sống và làm việc tại Việt Nam. Thin viết về Sài Gòn cho độc giả phương Tây bằng cảm nhận và trải nghiệm của một người nước ngoài, duy có một chút khác vì Thin người châu Á. Quê hương Thin, Myanmar cũng là một quốc gia đang trở mình, song nhiều bạn trẻ xa xứ như Thin không tìm thấy cơ hội làm chứng nhân cho sự đổi mới.
Từ ngày rời Myanmar, Sài Gòn là nơi thứ hai Thin dành nhiều thời gian sống, chỉ sau Singapore. Thin luôn nói, được ở trong lòng một thành phố đang phát triển là khoảng thời gian đáng sống và đáng nhớ. Là một người nước ngoài, hơn ai hết Thin hiểu cảm giác của người xa nhà đi tìm niềm vui. Là một cư dân thành thị, hơn ai hết Thin hiểu giá trị của thời điểm một đô thị lột xác, khi “mới” và “cũ” va chạm, tranh chấp và nhường nhịn. Là một người viết, hơn ai hết Thin hiểu cần mang gì đến cho người đọc. Và Sài Gòn mang lại cho Thin cơ hội để làm chiếc cầu nối người với người, nối người với những nguồn vui. Ở một Singapore sạch sẽ, an toàn, bộ mặt người dễ trở nên nghiêm túc, cứng nhắc. Ở một Sài Gòn còn tất bật trong sự nhàn rỗi, người ta còn giữ được mình dễ chịu và đầy biểu cảm.
Ngày càng có nhiều người nước ngoài tìm đến sống và làm việc tại các quốc gia đang phát triển, phải chăng họ muốn nhìn thấy nhiều diễn biến khác lạ hay một cách vô thức, họ đi tìm một thứ gì đó như là cầu nối giữa người với người? Theo kinh nghiệm của Thin, người nước ngoài sống và làm việc tại Tp. Hồ Chí Minh hiếm khi rơi ra ngoài quĩ đạo khép kín nối liền ba điểm sinh hoạt vui chơi giải trí là Quận 1- An Phú- Phú Mỹ Hưng. Từ đó họ đi đi về về an ổn và bảo thủ trong cái vòng thân thuộc ấy. Thế nên văn hóa tiếp cận được với người nước ngoài vô hình chung cũng bị giới hạn tại đó. Gout của những người thích tìm về không khí thành thị của Sài Gòn xưa thường là những nơi nhỏ nhắn, ấm cúng hơn là nơi qui mô, hào nhoáng.
Sài Gòn đặc biệt cũng là nhờ tất cả những vẻ khác lạ, đẹp- xấu, hay- dở, sáng- mờ lẫn lộn, phơi bày không phô phang, mà cũng không giấu giếm. Sài Gòn hấp dẫn du khách bởi cái vẻ tạp nhạp tự nhiên nhưng sao vô cùng duyên dáng của mình. Và công việc của Thin, là kể những câu chuyện Sài Gòn phố, Sài Gòn quán, phóng khoáng, đong đưa, một Sài Gòn có khi cũ và buồn nhưng chẳng mấy khi dìu khách xa xứ vào nỗi sầu trầm tư mặc tưởng.Và Thin, một người hiểu và yêu Sài Gòn không kém gì người Sài Gòn, cứ mãi mong thành phố giữ được mãi nét duyên của mình. Bản thân Thin cũng tìm những quán quen, để giữa Sài Gòn, được tựa mình vào một chốn thân quen thật không còn gì bằng. Au Parc café Hàn Thuyên, nhà hàng Le toit gourmond, hay Qing Bar Đông Du, quán nhỏ, rượu ngon là những nơi Thin yêu thích.
Tháng hai này, Thin và vị hôn phu sẽ tổ chức đám cưới tại quê nhà Yangon, Myanmar. Đôi bạn trẻ đã lên kế hoạch đặc biệt để mời và hướng dẫn bạn bè từ khắp nơi thực hiện chuyến đi ăn cưới xa xôi hiếm thấy. Biết rằng ở Myanmar, cánh cổng vào còn khá xa lạ với bạn bè thế giới, nơi các dịch vụ truyền thông, y tế, du lịch còn ở mức khiêm tốn, Thin và Chris, chồng sắp cưới của cô đã thiết kế những tấm thiệp cưới đặc biệt có hình như một tấm bưu thiếp, vừa là thiệp mời, vừa là một cẩm nang hướng dẫn làm sao đến Myanmar, với đầy đủ thông tin từ cách xin thị thực đến đặt vé máy bay, khách sạn, dịch vụ viễn thông, y tế…
Tết dương lịch năm ngoái, đôi bạn đi tour đạp xe từ Đà Lạt đến Mũi Né. Năm nay, Thin và Chris đã lên đường thăm Côn Đảo lịch sử. Chuyện tình của Thin và Chris khởi đầu trên một chuyến thang máy ở Singapore, được nuôi dưỡng trên mọi nẻo đường Việt Nam, và sắp sửa thành tựu ở quê nhà Yangon. Cầu chúc đôi bạn trẻ mãi mãi hạnh phúc, cũng như Sài Gòn, mãi giữ được nét duyên của mình!
Quế Anh
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment