5.18.2009

PHIM NHẬT VÀ SỰ TRỞ VỀ CỦA ĐIỆN ẢNH CHÂU Á

Cuối năm 2006, tại bảo tàng quốc gia Singapore diễn ra liên hoan phim Nhật kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Trong 17 phim Nhật được chọn trong liên hoan phim lần này có 3 phim hoạt hình, 5 phim được khuyến cáo có chủ đề bạo lực và tính dục, các phim còn lại thuộc thể loại tâm lý xã hội, khai thác tâm lý thanh thiếu niên và tình cảm học đường. Được chú ý nhiều nhất tại các liên hoan phim quốc tế là Yoshino’s Babber Shop của đạo diễn Ogigami Naoko với giải thưởng Liên hoan phim Berlin 2004; We shall overcome someday (Pacchigi!) của đạo diễn Izutsu Kazuyuki đạt giải phim hay nhất, đạo diễn xuất sắc nhất liên hoan phim Blue Ribbon, Yokohama, Kinema Junpo; Fireworks của đạo diễn Kitano Takeshi đạt giải Sư Tử vàng liên hoan phim Venice và giải thưởng từ viện hàn lâm Nhật Bản. Loạt phim Gakko (Trường học tiếng Nhật) của Yamada Yoji tiếp nối loạt phim khai thác mối quan hệ phức tạp giữa người trong một xã hội quay cuồng phát triển. Gakko nhấn mạnh mối liên hệ tình thầy trò, lòng yêu nghề và hiếu học của người thầy và trò trong truyền thống Nhật Bản, được giới thanh thiếu niên Nhật đón nhận nồng nhiệt. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho giới trẻ Nhật Bản khi mà từ giữa thập niên 90, thanh thiếu niên Nhật đã nổi tiếng tiên phong hưởng ứng những trào lưu ngoại lai. Số liệu năm 2006 do Hiệp hội các nhà sản xuất phim Nhật Bản công bố cho thấy phim Nhật chiếm 53 phần trăm doanh thu của rạp chiếu phim. Tại Nhật Bản, giới phê bình nghệ thuật tỏ ý vui mừng với dấu hiệu hồi sinh của điện ảnh Nhật vốn bị lu mờ trong gần một thập niên qua bởi ánh hào quang của Hollywood, “người hàng xóm xinh đẹp” Hàn Quốc và những bộ phim thương mại lẫn nghệ thuật giá trị của các đạo diễn Đài Loan như Ang Lee (đạo diễn Ngọa Hổ Tàng Long, Brokeback Mountain), Tsai Ming-liang (đạo diễn Vive L’Amour, Sư tử vàng liên hoan phim Venice), Hou Hsiao-Hsien (đạo diễn Café Lumière, Ballon Rouge) ... Những kiệt tác của điện ảnh Nhật trong thế kỷ hai mươi được thế giới công nhận đều là những bộ phim được làm từ những năm 50 như Rashomon, Bảy võ sĩ đạo (Seven Samurai), Câu chuyện Tokyo (Tokyo Story) với tên tuổi hai cây đại thụ - đạo diễn Akira Kurosawa và Yasujiro Ozu. Cho đến giữa thập niên 80, sở thích của người xem phim dần hướng sang các sản phẩm thời thượng của Hollywood, phù hợp với nhịp sống của một xã hội văn minh. Mặc dù ba bộ phim đạt doanh số cao nhất khi chiếu tại rạp ở Nhật vẫn thuộc về Hollywood, năm 2006 đánh dấu sự quan tâm trở lại của khán giả Nhật với điện ảnh nước nhà. Góp phần tạo ra một làn sóng nội địa trong nước Nhật là làn sóng mới của điện ảnh châu Á, mà hai đại diện hoành tráng và chất lượng nhất là điện ảnh Hàn Quốc và Đài Loan. Bên cạnh đó, nhiều bộ phim Nhật Bản được thực hiện tại Hollywood và lớp đạo diễn trẻ ở các nước châu Á phát triển đều được đào tạo qua “cái lò” điện ảnh Mỹ. Mặc dù làn sóng mới của điện ảnh châu Á thể hiện mục đích “trao đổi” văn hoá khá lộ liễu –chủ đề phương Đông huyền bí và minh triết phương Đông được khai thác khá thành công trước khi trở nên quá đà vì tính kịch - tiêu biểu là Hồi ức của một Geisha, làn sóng nội địa trong mỗi nước lại có một sinh mệnh riêng, nghe ngóng, gõ cửa và thức tỉnh những nỗi niềm, những thân phận trong bối cảnh lịch sử xã hội riêng của từng dân tộc. Ở Nhật Bản, nỗi đau chiến tranh dần khép lại và phai dần trong tâm trí lớp người thế hệ trước. Mất gần hai mươi năm loay hoay tìm đề tài, điện ảnh Nhật khởi sắc ngay trong lòng nó với những đề tài gần gũi với cuộc sống thế hệ trẻ lớn lên trong xã hội tiêu dùng. Cảnh tượng người Nhật xếp hàng xem phim Nhật và thành công của những bộ phim gần đây như We shall overcome someday, The Professor and his beloved equation, Jazz Daimyo, Gakko, Gedo Senki… cho thấy thanh niên Nhật không quay lưng với những giá trị nhân bản truyền thống. Nằm ngoài dòng chảy chính của điện ảnh Hong Kong và sự kiểm duyệt của điện ảnh Trung Quốc, từ dạo những năm 80 thế kỷ trước, công nghiệp phim Đài Loan bắt đầu tìm lối đi riêng, thoát khỏi mô-típ phim kungfu hoặc lãng mạn kiểu Quỳnh Dao một thời. Phim Đài Loan chú trọng những đề tài phản ánh cuộc sống đương đại tại cả thành thị và nông thôn Đài Loan, những mâu thuẫn và khắc khoải níu kéo giữa văn hóa Trung Hoa đại lục và văn hóa Mỹ đang ảnh hưởng trực tiếp lên đời sống người dân đảo quốc. Những làn sóng mới trong điện ảnh Đài Loan phản ánh sự thay đổi độc đáo và nhanh chóng trong lịch sử phát triển cận đại, trong đó sự tương đồng về ngôn ngữ - tiếng Trung Quốc và sự dị biệt trong cách tiếp nhận văn hóa khiến Đài Loan trở thành một mảnh đất đề tài màu mỡ cho các nhà đạo diễn khai thác. Nổi tiếng nhất trong làn sóng mới của điện ảnh Đài là đạo diễn Ang Lee với The Wedding Banquet (1993), Eat Drink Man Woman (1994) kể về những mâu thuẫn thế hệ và văn hóa trong những gia đình hiện đại; Tsai Ming-liang với Vive L’Amour đạt giải Sư Tử vàng liên hoan phim Venice kể về nỗi tuyệt vọng, cô lập, tình yêu của những thanh niên Đài trên những khu căn hộ cao tầng…. Ang Lee cũng chính là người có công trong việc đưa điện ảnh châu Á đến gần với khán giả phương Tây qua bộ phim Ngọa Hổ Tàng Long (2000). So với Nhật, Đài Loan, công nghiệp làm phim Hàn Quốc có thế mạnh vượt trội là nguồn tài chính dồi dào từ các công ty tư bản đầu tư vào các hãng phim. Có nhà sản xuất từng nửa thật nửa đùa rằng, yếu tố hạn chế số lượng phim được làm ra ở Hàn Quốc không phải là tiền mà là số máy quay phim hiện có trong nước. Điện ảnh Hàn Quốc sản xuất nhiều và nhanh, nghiêng về thực hành nhiều hơn là đầu tư nghệ thuật. Nguyên nhân một phần là do đội ngũ đạo diễn, diễn viên và ê-kíp làm phim ở Hàn Quốc đông đảo, được đào tạo chất lượng tốt nên sản phẩm ra đời dễ dàng. Với một nền công nghiệp làm phim sẵn phát triển và nghệ thuật quay phim bậc thầy, thành công của phim Hàn chỉ là vấn đề ý tưởng. Mà ở khâu này, điện ảnh Hàn Quốc nói là thiếu thì bất nhã, mà hài lòng thì có phần dễ dãi. Trong loạt mười phim ăn khách nhất tại Hàn Quốc năm vừa qua, ấn tượng phim Hàn để lại là những xúc cảm tuy nông mà đẹp. Ba phim dẫn đầu danh sách thuộc về phim nội địa là The Host (còn biết dưới tên Quái vật sông Hàn, đạo diễn Bong Joon-ho), Tazza: The High Rollers và My Teacher, My Boss. Với sự ưu ái đặc biệt của người dân dành cho phim trong nước, điện ảnh Hàn Quốc hoàn toàn đứng vững trên phương diện thương mại. Cùng với sự hồi sinh của phim Nhật, điện ảnh châu Á đang trở về gần hơn với tính dân tộc của mình. Hy vọng đó chính là thứ mà bạn bè quốc tế đang chờ đợi và ngưỡng mộ khi nhìn về châu Á, chứ không phải chỉ có kung-fu, điếm Nhật với ma Hàn. Thượng Huyền

No comments:

Post a Comment