5.18.2009
DANIEL GORDON JONES- NGHỆ SĨ QUẢNG CÁO VÀ VŨ ĐIỆU BIẾN HÓA
Đâu phải đến khi truyền hình, internet phát triển, quảng cáo mới có duyên cớ để trở thành một ngành công nghiệp với đầy đủ học thuyết, phương tiện và cả một truyền thống để tự hào. Nhu cầu được chú ý và được trở nên đẹp trong mắt người khác – nhu cầu được quảng cáo – từ thời nguyên thủy đến nay vẫn luôn là vấn đề uyên nguyên trong tâm lý con người. Để phục vụ nền công nghiệp hàng hóa và chủ nghĩa tiêu thụ thay đổi mỗi ngày, những nhà quảng cáo làm người ta bất ngờ với khả năng hóa thân liên tục, dao động trong cái biên của nửa sâu sắc - nửa thực dụng, nửa phù phiếm - nửa xuề xòa, nửa cổ điển - nửa đương đại. Daniel Gordon Jones, giám đốc điều hành Bates Asia tại Việt Nam là một mẫu người như thế.
Từng làm việc cho Bates UK (Anh Quốc) ba năm trước khi sang Việt Nam công tác ở bộ phận Dịch vụ khách hàng và trở thành Giám đốc điều hành Bates Asia Việt Nam chỉ trong vòng sáu năm, con đường thăng tiến của chàng trai người Anh gắn liền với sự hình thành một thị trường quảng cáo trẻ và năng động tại Việt Nam. Gốc gác xứ sở sương mù vẫn đầy trong màu xám khói của đồng tử và trên mái tóc xoăn thành lọn của Daniel, song màu vàng óng của lúa chín – màu của Bates, thương hiệu chuyên xây dựng thương hiệu tại các quốc gia châu Á mà anh đã gắn bó gần mười năm đã ít nhiều mang Daniel thoát khỏi truyền thống lạnh lùng cố hữu nổi tiếng của dân Ăng-lê.
Cùng với mạng lưới Bates Asia tại châu Á, Bates Việt Nam nói riêng và những đại gia đa quốc gia trong ngành quảng cáo như O&M, JWT, Leo Burnette… nói chung đã và đang góp phần chuyên nghiệp hóa ngành công nghiệp quảng cáo trong nước, khơi dậy một cách đúng lúc sức cạnh tranh sôi động tại thị trường Việt Nam và các quốc gia châu Á đang phát triển. Tên tuổi mỗi nhà quảng cáo luôn gắn với lịch sử thành công của một thương hiệu. Chẳng hạn như Volkswagen gắn với huyền thoại Doyle Dane Bernbach, Marlboro, Kellogg với Leo Burnette, American Express với O&M… tên tuổi Bates được biết đến trong thị trường Việt Nam hơn sáu năm qua với sự tỏa sáng của ngôi sao Heineken.
Không chỉ về tính chuyên nghiệp hoặc phong cách sáng tạo, mối liên hệ giữa một công ty quảng cáo và một thương hiệu được xây dựng trên cơ sở rất gần với bản chất của tình bạn tri âm, đó là sự thấu hiểu. Tại Việt Nam, thị trường được nhận xét là có xu hướng thay đổi liên tục, không riêng gì Bates, các công ty quảng cáo nước ngoài đều rất cần đội ngũ nhân viên người Việt vì chính họ mới có khả năng đưa ra những thấu hiểu tâm lý của người tiêu dùng bản xứ. Để thành công, những người làm công tác chiến lược quảng cáo như Daniel phải giữ mình vừa đủ cởi mở và khiêm nhường để tiếp nhận cái mới trong tâm lý hàng vạn người tiêu dùng, vừa phải khắt khe và quyết liệt để xác định đâu là cá tính thương hiệu để đón đầu thị trường một cách chiến lược nhất.
Ýtưởng sáng tạo luôn là vấn đề đối với các công ty quảng cáo: làm sao để truyền đạt thông điệp của nhà sản xuất, để lại ấn tượng tốt trong tình cảm người tiêu dùng, mà vẫn đạt được giá trị nghệ thuật nhất định của loại hình nghệ thuật quảng cáo. Để thoát khỏi mô típ thường thường, nhàn nhạt và dễ thương công cộng, ý tưởng sáng tạo của một chiến dịch quảng cáo sẽ quyết định tất cả. Thế nhưng sáng tạo trong quảng cáo là sáng tạo có định hướng, được qui hoạch với giới hạn là chiến lược sản phẩm và tính cách thương hiệu. Trong cái giới hạn ấy, sáng tạo chỉ có thể trở nên tung tẩy khi người sáng tạo thấu đạt thông điệp mà họ có sứ mạng truyền tải. Giám đốc Bates tự hào khi kể về chiến dịch thành công của công ty trong loạt phim quảng cáo chủ đề “Những anh hùng nhỏ” cho Nutifood, lấy cảm hứng từ tuổi thơ những danh nhân Việt Nam như Đinh Bộ Lĩnh, Trần Hưng Đạo… Trong một số trường hợp, tiêu chí thành công của một chiến dịch quảng cáo không phải là doanh số, mà là phản ứng, tình cảm người tiêu dùng đối với hình ảnh một thương hiệu. Đó vừa là trách nhiệm, vừa là say mê được thể nghiệm của những người làm quảng cáo tâm huyết.
Trò chuyện với phát ngôn viên thương hiệu của Heineken, ngạc nhiên trước sự đa dạng và sáng tạo trong phong cách thưởng thức Heineken tại nhiều nơi trên thế giới. Một góc kệ xếp đầy các loại chai và lon của Heineken được Daniel thâu thập từ các cửa hàng, siêu thị trên một số thị trường ở châu Âu và châu Á: chai lớn, chai vừa, chai bé, chai tí hon, lon ốm, lon tròn, chai thủy tinh, chai kim loại…Trong khi tại Việt Nam phong cách thưởng thức Heineken mới chỉ giới hạn ở loại chai thủy tinh và lon thiếc với thiết kế cổ điển và kích cỡ trung bình. Chia sẻ trăn trở của một nhà quảng cáo gắn liền với một thương hiệu lớn, mới hay hàng loạt các yếu tố từ chính sách đến thị trường, sở thích tiêu dùng đang chi phối bài toán lợi nhuận của nhà sản xuất và thử thách bản lĩnh sáng tạo của công ty quảng cáo.
Theo Daniel, so với cách đây vài năm, thị trường quảng cáo trong nước đã lớn mạnh và chuyên nghiệp hơn rất nhiều, đặc biệt là đội ngũ nhân viên trong ngành. Mặc dù gần đây, ngành quảng cáo mới bắt đầu được đưa vào giảng dạy trong đại học quốc tế RMIT, nguồn nhân lực của ngành trong nhiều năm nay vẫn trông cậy vào những cá nhân có năng lực và hội đủ tư chất linh hoạt của người làm quảng cáo. Thị trường quảng cáo trong nước đang khát những bộ óc sáng tạo có chuyên môn và kỹ thuật cao, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất phim quảng cáo- vốn có nhiều công đoạn vẫn phải mang ra nước ngoài gia công. Nghề dạy nghề, ngành quảng cáo cũng đang tự thân vận động để khẳng định vị trí độc lập và ảnh hưởng sáng tạo của mình đối với việc xây dựng thương hiệu trong thị trường ngày càng nhiều cá tính và sắc màu độc đáo.
Thành tựu không đo đếm được sau sáu năm công tác ở Việt Nam còn là mái ấm của anh với một chuyên gia trang điểm người Việt và hai nhóc Joshua &ø Daisy. Đến từ cái nôi của bóng đá và nhạc Pop, gã Anh đầu bạc Daniel Gordon Jones vẫn thèm một bữa điểm tâm thuần Anh có thịt muối, bánh pudding, song vẫn khăng khăng bảo vệ lập trường của mình rằng ở châu Á chỉ có Việt Nam là đáng sống (!)
Có những người cả đời cố gắng định hình cho mình một phong cách để trú ẩn, trong khi những nhà quảng cáo như Daniel lại không ngừng bị thôi thúc bởi nhu cầu được hóa thân – được nhập nội và sống với linh hồn của từng thương hiệu.
20 GB (gigabit) nhạc Dance lưu trong máy tính của Daniel là quá nhiều ngay cả đối với một DJ, song có lẽ vẫn chưa đủ cho vũ điệu biến hóa không ngừng của nghệ sĩ quảng cáo Daniel Gordon Jones.
Quế Anh
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment