5.18.2009
Interview Professor TRẦN VĂN THỌ
Quế Anh thực hiện
Được cảnh báo về bộ dạng kỳ quặc của Trần Văn Thọ, song điều gây ngạc nhiên không phải là mái tóc gần như bumbê, dày, dài, đen nhánh lùm xùm như con gái, mà là khuôn mặt học trò của một vị giáo sư ngoại ngũ tuần. Nếu “thấy cây mà không thấy rừng” là bệnh của người thiển-cận, thì chắc cũng có một loại bệnh ngược lại dành cho người viễn-cận! Với cái nhìn của chuyên gia kinh tế và từ tâm của người mang nghiệp làm thầy, Trần Văn Thọ nói về kinh tế và giáo dục sâu sắc bao nhiêu, thì nói về “cơ chế” ngây thơ bấy nhiêu. Giảng dạy kinh tế tại một cường quốc kinh tế như Nhật Bản nhưng lại bảo thủ một cách khó hiểu trong việc dùng vật chất, dám nói Trần Văn Thọ còn quê mùa hơn cả giáo viên trường làng. Nhìn ông lông bông say sưa với những bức xúc trước thực trạng xã hội, thấy đàng sau vẻ ngoài cổ điển của một vị giáo sư liêm khiết vẫn là hình ảnh một cậu học trò nghèo, thông minh, hiếu học, khí khái mưu cầu lý tưởng của một đồ nho. Ông cười, nụ cười nhỏ và sáng rực.
Sinh năm 1949 tại Quảng Nam, sang Nhật du học năm 1968, từng là thành viên chuyên môn trong Hội đồng Tư vấn kinh tế của nhiều đời Thủ tướng Nhật và hiện đang là giáo sư kinh tế Đại học Waseda (Tokyo), Trần Văn Thọ là một trí thức yêu nước đúng nghĩa, luôn theo sát tình hình phát triển và cống hiến giải pháp cho các vấn đề kinh tế, giáo dục của Việt Nam. Ngoài là thành viên Tổ Tư vấn cải cách kinh tế của Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1993 - 1997), cộng tác trong Ban Nghiên cứu chính sách của Thủ tướng Phan Văn Khải (1998 - 2004), sáng lập viên Trung tâm kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (VAPEC) tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM, giáo sư còn là cầu nối giao lưu giữa sinh viên Nhật Bản-Việt Nam và là cây bút quen thuộc với những bài viết đơn giản, sâu sắc trên các báo: Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Thanh Niên, Tuổi Trẻ...
Giáo sư từng đề nghị chọn một ngày trong năm làm ngày tổ chức thi tuyển người tài giỏi, đức độ ra làm việc nước. Nếu có một ngày như vậy thì sự khác biệt về chuyên môn, nghành nghề sẽ được giải quyết thế nào?
Về cơ bản, phải nhận thấy sự cần thiết của bề dày văn hóa đối với người ra làm việc cho đất nước. Theo ý tôi, nên chia việc tuyển người tài thành hai nhóm: Nhóm chuyên viên nghiên cứu, kỹ thuật thì kiểm tra riêng và nhóm quan chức thì không cần kỹ năng đặc biệt. Năng lực diễn đạt, sự hiểu biết về văn hóa, triết học, lịch sử luật pháp, hành chánh là những yếu tố cần thiết đối với người làm việc cho đất nước. Một khi đã có tầm nhìn, có ý thức trách nhiệm và hiểu cơ cấu thì không cần học nông nghiệp mới làm được trong ngành nông nghiệp, không cần học thương mại mới làm được công thương... Mục tiêu sau cùng của cuộc thi tuyển là tìm được những người có văn hóa cao, vì người có văn hóa cao thì không thể hạ mình để tư túi hay gây hại cho người khác.
Giám khảo của kỳ thi đó phải quan trọng lắm! Thế nào là một giám khảo lý tưởng?
Quan trọng chứ! Giám khảo phải là người xứng đáng chứ không chỉ là người nổi tiếng. Ở Nhật hay nước khác, Ban giám khảo là những người không được công bố. Có trường hợp ông giáo sư muốn học trò nhiều người đậu đã ngầm nhấn mạnh nội dung cho sinh viên mà khi chuyện này bị phát hiện, báo chí đã lên tiếng phê phán. Một chuyện như vậy ở Nhật đã bị xem là nặng nề lắm rồi, nói gì đến chuyện bán đề, mua đề, lộ đề như ở Việt Nam...
Một vấn đề nữa mà tôi đã kiến nghị cách đây nhiều năm là việc đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam. Nhật Bản đông dân hơn và có thu nhập đầu người gấp 75 lần Việt Nam mà số người có bằng tiến sĩ ở Việt Nam nhiều gấp mấy lần ở Nhật. Đó là một hiện tượng dị thường! Một trong những vấn đề giáo dục mà nước ta đang đối mặt là số lượng tiến sĩ quá nhiều và tiêu chuẩn chất lượng đào tạo tiến sĩ quá thấp. Tôi đề nghị một ban thẩm định gồm những trí thức trong và ngoài nước cùng đưa ra ý kiến về việc đại học nào, giáo sư nào hội đủ đủ tiêu chuẩn đào tạo tiến sĩ, và chừng nào tiêu chuẩn đó ở Việt Nam chưa ngang bằng quốc tế thì tiến sĩ nên được gửi đi đào tạo ở nước ngoài.
Những vấn đề này ông đã nói từ mười mấy năm trước, ông thấy những vị lãnh đạo có nghe ông không?
Nếu nghe thì đã làm được rồi.
Cụ thể là làm được mà không nghe hay nghe mà làm không được?
Những vấn đề này tôi đã viết lên báo Nhân Dân, Tia Sáng, viết đề xuất gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục lúc đó là ông Nguyễn Minh Hiển. Có vẻ như họ nghe nhưng không thấy làm.
Giải pháp cho tình hình này theo ông nên từ trên xuống hay từ dưới lên?
Dĩ nhiên là từ trên xuống. Lãnh đạo nhà nước phải thấy sự cần thiết của việc mở mang dân chủ, có nhiều chọn lựa hơn thì xã hội mới có cơ hội vận hành tốt hơn. Chuyện quan chức cũng dễ giải quyết thôi. Vấn đề không phải do con người hay văn hóa mà là cơ chế kìm hãm. Sau giải phóng, người ta đề bạt người giữ chức vụ, rồi đề ra tiêu chuẩn hóa cán bộ là phải có bằng đại học, cho cán bộ đi đào tạo hệ tại chức, hình thành một kiểu học sơ sơ, trong đó quan hệ thầy trò lủng củng. Thầy lương thấp hơn trò, trò bồi dưỡng thầy để thi cử lấy bằng cho dễ... Trong công việc thì người có bằng dễ được đề bạt, được đối xử khác với người không có bằng. Một chuỗi quan hệ nhân-quả như vậy hình thành nên tư tưởng chuộng bằng cấp.
Ông có nghĩ là mình đang đổ cho cơ chế những điều đã nằm sâu trong ý thức hệ?
Ở Nhật Bản và nhiều nước khác, học vị tiến sĩ chỉ dành cho những người làm công tác giảng dạy và nghiên cứu, còn quan chức nhà nước chỉ cần có bằng đại học là đủ. Ở nước mình, tôi thấy Phó giám đốc một sở ở miền núi cũng có bằng tiến sĩ. Và việc Nhà nước cho tiền cán bộ đi học tiến sĩ là một chuyện rất ngược đời. Tôi nghĩ vấn đề nằm ở cơ chế, và mười năm nay cơ chế đã thay đổi nhiều.
Những gì ông thấy đã thay đổi là những gì đong đếm được. Nhưng hình như giá trị nhân văn đâu có đi lên?!
Đó là vì cơ chế xin-cho làm con người khúm núm và vòi vĩnh. Cơ chế tạo ra một xã hội mà cái gì cũng phải xin, phải chạy chọt từ học hành, hộ khẩu, việc làm... Quan hệ xin-cho làm người ta quên những giá trị cao đẹp của con người và tạo ra một xã hội không công bình. Cái gốc của vấn đề này cần được giải quyết bởi những quan chức có tư cách, có văn hóa cao và sự thay đổi cơ chế.
Cơ duyên nào ông trở thành thành viên Tổ Tư vấn cải cách kinh tế của Thủ tướng Võ Văn Kiệt?
Từ năm 1990, tôi là một trong ba người nước ngoài được mời làm thành viên chuyên môn trong Hội đồng Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nhật vì họ muốn phát triển chính sách đối ngoại và cần nghe ý kiến chuyên gia người nước ngoài. Đó cũng là thời gian tôi bắt đầu viết bài gửi về báo Việt Nam. Đến năm 1993, tôi nhận được thư của chủ nhiệm văn phòng chính phủ nước mình mời tham gia Tổ tư vấn cải cách kinh tế.
Làm thành viên Tổ Tư vấn cải cách kinh tế của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, rồi cộng tác trong Ban Nghiên cứu chính sách của Thủ tướng Phan Văn Khải, ông thấy tính hiệu quả của những ban chuyên trách này thế nào?
Theo tôi các ban này có ít thời gian để bàn chiến lược lâu dài mà chủ yếu là giải pháp tình thế.
Theo ông, Việt Nam trên đường phát triển có điều gì cần học từ Nhật?
Một là, đề cao tính thực chất. Ở Nhật không ai nghe hay bàn về chuyện hàng giả cả!
Hai là, tôn vinh tinh thần trách nhiệm tận tụy, “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Làm sao để trong xã hội ai cũng thấy hạnh phúc khi chọn được một nghề hợp với khả năng của mình, được xã hội trân trọng và tay nghề càng cao càng được thù lao xứng đáng. Lý Quang Diệu, Cựu Thủ tướng Singapore, trong cuốn hồi ký From Third World to First -The Singapore Story: 1965-2000 (HarperCollins Publishers, 2000) có dành hai chương phân tích các bài học về kinh nghiệm phát triển của Nhật sau khi quan sát trực tiếp sự lành nghề và thái độ yêu nghề của một người đầu bếp tại một khách sạn ở Nhật vào những năm đầu thập niên 1970. Tôi đồng ý với nhận xét của Lý Quang Diệu rằng người Nhật dù làm nghề gì cũng hãnh diện và luôn mong muốn hoàn thành xuất sắc vai trò của mình, do đó mà ở Nhật năng suất lao động cao và hàng sản xuất ra luôn đạt được sự hoàn hảo về phẩm chất. “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” vốn dĩ là truyền thống rất đẹp mà Việt Nam đã có từ rất lâu. Bây giờ chính là lúc tinh thần đó cần được phát huy trong thế hệ trẻ.
Vậy có thể gọi tên những phẩm chất được đề cao như trên là tinh thần Võ sĩ đạo được không?
Võ sĩ đạo là tinh thần thượng võ hành động vì việc nghĩa. Nó đề cao lòng can đảm của cá nhân. Còn những phẩm chất trên, nếu kết hợp lại, tôi nghĩ nó là đặc trưng tinh thần dân tộc của Nhật – mọi người vì sự phát triển của đất nước, và tránh sức ép của ngoại bang. Để được như vậy, người Nhật đã học cách quên quá khứ. Chữ “lý lịch” không có chỗ trong lịch sử Nhật Bản. Câu chuyện của Shibusawa Eiichi là điển hình cho tinh thần hòa hợp dân tộc và trọng nhân tài của lãnh đạo Nhật Bản.
Khi chính quyền Minh Trị Thiên hoàng bắt đầu xây dựng đất nước và cần chuyên gia am hiểu về tài chánh, ngân hàng, được thông tin về Shibusawa Eiichi - vốn là người được trọng dụng trong thời phong kiến Edo đã bị lật đổ, chính phủ mới đã quyết định mời ông tham gia chính quyền và cho giữ ngay một chức vụ quan trọng trong Bộ Tài chính. Với cương vị và uy tín này, Eiichi bắt đầu thiết lập hệ thống ngân hàng hiện đại mà sau này trở thành kiểu mẫu cho một loạt các ngân hàng công và tư. Trong thập niên 1880 và 1890, thấy đất nước mình còn thiếu nhiều thứ để trở thành một nước phát triển, Eiichi lập ra hàng chục công ty hiện đại trong các lãnh vực kéo sợi, dệt vải, đóng tàu, hàng hải, bảo hiểm, đường sắt, v.v… Nhiều nhà phân tích đã gọi Shibusawa là ông tổ của chủ nghĩa tư bản Nhật Bản.
Có bao giờ ông cảm nhận sức ép từ tinh thần trách nhiệm và tinh thần dân tộc của người Nhật đi quá giới hạn hay tạo ra tác dụng ngược trong chính hệ thống của họ không?
Ở Nhật, lãnh đạo không hoàn thành trách nhiệm hay một người làm nghề lái xe bus ân hận vì đã gây nguy hiểm tính mạng cho hành khách… tự tử là chuyện bình thường. Trong công ty thì vì trách nhiệm, có người làm quá sức dẫn đến tử vong nơi công sở hay vì công việc hy sinh hạnh phúc gia đình là có thật. Tôi không dám chắc tinh thần ấy có đi quá giới hạn hay không. Nếu có một nhà chuyên môn nghiên cứu lĩnh vực này ở đây thì câu trả lời có thể sắc sảo hơn. Nhưng có một thực tế là sự cân bằng trong đời sống và tinh thần người Nhật đang đứng trước nguy cơ bị phá vỡ.
Bản thân ông sống trong xã hội như vậy có bị sức ép lớn?
Hầu như là không. Nghề dạy học của tôi khá tự do, miễn sao có trách nhiệm với sinh viên là được.
Nghề dạy học ở Nhật ung dung như vậy hay ông được như vầy là do máu Việt trong ông?
Tôi nghĩ máu Việt hay máu Nhật không có gì khác. Khác nhau là tính cách. Nhưng định nghĩa thế nào là máu Việt?
Máu Việt chuộng sự vừa phải.
Nếu vậy thì vừa phải là một chủ nghĩa tốt. Tôi thấy người Việt Nam mình biết giữ cân bằng cuộc sống tốt. Mặc dù những điều kiện môi trường, mức sống chưa cao, tai nạn giao thông và vệ sinh có vấn đề nhưng lạ là tuổi thọ người Việt rất khá. Tôi ra Hà Nội thấy tinh thần tập thể dục của người dân rất cao! Buổi sáng người đứng tập thể dục quanh hồ rất đông!
Đó là vì nhà họ không có chỗ đấy ạ! Nghe nói hồi xưa mộng của giáo sư là trở thành thầy giáo dạy văn chương. Sang Nhật sao ông không nghĩ về thế mạnh của mình và tiếp tục ước mơ đó?
Tôi rất thích văn học Nhật Bản. Nhưng ở tuổi hai mươi tuổi, tôi chưa nghĩ nhiều. Thích văn chương nhưng học văn bằng tiếng nước ngoài tôi sợ không cảm nhận được hết. Năm 1968, Nhật Bản lần đầu tiên trở thành cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới, bởi vậy tôi chuyển sang học kinh tế, mong hòa bình trở về góp phần xây dựng đất nước Việt Nam. Với lại chưa học thì chưa cái gì là thế mạnh của mình.
Đọc sơ qua tiểu sử, thấy con đường học vấn của giáo sư sao toàn chuyện tình cờ!
Đúng là tôi may mắn nên mới gặp nhiều cơ hội thay đổi cả cuộc đời một cách rất tình cờ. Nếu năm ấy trường Nguyễn Duy Hiệu (Điện Bàn, Quảng Nam) không mở lớp trung học (cấp 2) thì có thể bây giờ tôi là anh nông dân hoặc anh thợ may...
Cuối năm 1967, chiến tranh ác liệt. Từ Quảng Nam mà vào Sài Gòn học còn hơn bây giờ đi du học nước ngoài. Tôi vào, kiếm được một chân dạy trường tư. Vừa dạy học vừa đi học lớp dự bị ở Đại học Văn khoa, định năm sau thi vào Đại học Sư phạm ra dạy văn cấp 3. Một ngày kia, tôi đạp xe ngang qua cơ quan Bộ Giáo dục Sài Gòn, nhìn thấy một tờ thông báo, tôi dừng lại xem. Sau này nghĩ lại nếu lúc đó không tình cờ qua đây thì tôi đã không phải là tôi bây giờ nữa. Đó là thông báo tuyển học sinh sang Nhật du học bằng học bổng của Chính phủ Nhật. Hai mươi người còn lại sau sơ tuyển được đưa lên Đại sứ quán Nhật để thi đề thi thống nhất toàn thế giới. Tôi đỗ và sang Nhật du học. Giờ nghĩ lại, mình nghèo, một thân một mình, không thân thế, không quen biết ai mà được đi du học là do họ tổ chức thi cử đàng hoàng.
Nếu có người để lại ảnh hưởng lớn trong đời ông thì đó là ai?
Ông nội tôi. Vào thời điểm khó khăn nhất, khi cả nhà họp bàn xem có nên cho tôi đi học chữ nữa không hay là học thợ may, ông nội chủ trương bằng mọi cách phải cho tôi đi học tiếp. Tiền mấy cô chú cho ông uống rượu, ông nhịn rượu dành hết mua vé số. Tuần nào ông cũng đi bộ 5 cây số xuống quận lỵ Vĩnh Điện để mua, rồi tuần sau lại đi bộ xuống dò, rồi mua tiếp, mong được trúng để có tiền cho cháu đi học, nhưng không bao giờ trúng cả. Tôi qua Nhật một năm thì ông qua đời. Cách đây 11 năm, năm 1996 tôi xuất bản một cuốn sách bên Nhật. Trong lời nói đầu, tôi viết, nếu ông tôi còn sống thì năm nay là sinh nhật 100 tuổi. Không nhờ tình thương và nỗ lực của ông nội thì có khi tôi chỉ học đến hết tiểu học. Ông mất sớm mà tôi chưa có cơ hội báo hiếu… Những người bạn Nhật đọc lời đề tặng đã cảm động nói với tôi rằng, lâu lắm rồi họ được mới nghe lại chữ “báo hiếu”.
Giáo sư sống ở một đất nước phát triển vào bậc nhất về khoa học kỹ thuật mà đồ ông dùng chẳng “phát triển” tí nào: máy ảnh Olympus 12 năm tuổi, điện thoại di động màn hình độc màu xanh Nokia 8250… Đó là cái thú, lối sống hay tại cái máu nông dân của ông?
Tôi rất bảo thủ trong việc dùng vật chất! Ngay cả đồng hồ, bút, túi xách... cái gì không hư thì không bỏ được. Sống ở Nhật 40 năm mà tôi mới bắt đầu dùng điện thoại di động năm ngoái đây vì thấy có bao giờ mình cần liên lạc gấp đâu! Về nhà có điện thoại bàn. Ở cơ quan có điện thoại cơ quan. Nhà cách sở làm một tiếng đồng hồ di chuyển. Nhưng vài năm trở lại, ngoài đường khó kiếm ra những buồng điện thoại công cộng như ngày xưa nên để tiện thì phải chuyển qua dùng di động thôi.
Xã hội mà nhiều người xài đồ như giáo sư kiểu này thì Nhật Bản đâu có phát triển được như ngày nay! Ông có nghĩ mình biết tận hưởng từ cuộc sống?
Thú vui của tôi là chơi piano. Nghiệp dư thôi, nhưng mỗi lúc ngồi xuống chơi thì không gì tuyệt vời bằng! Có lần nghỉ trong một khách sạn tại TP. Hồ Chí Minh, khá khuya rồi, tôi xin được chơi đàn trong sảnh, không biết là có hai người nước ngoài ngồi nghe. Lúc ra về, họ boa cho tôi 2 đô! Vui quá! À mà kỳ này về chắc phải mua máy ảnh kỹ thuật số không biết chừng! Ra Hà Nội tìm hoài không mua được phim để bỏ vô máy…
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment