5.18.2009
EILEEN NG – CÔNG DÂN TÍCH CỰC CỦA THẾ GIỚI PHẲNG
Một cuộc trò chuyện với Eileen Ng có thể làm tín đồ của thuyết toàn cầu hóa phải nghĩ lại, rằng, không phải cứ sống, thừa hưởng những ưu việt trong thế giới phẳng, hoặc đang-trở-nên-phẳng, là có thể nghiễm nhiên trở thành công dân của nó. Thế giới phẳng có quy luật khắc nghiệt mà để được thừa nhận và thành công, những công dân ở đó phải luôn trau dồi – mài và làm mỏng mình.
Lớn lên ở Singapore, tốt nghiệp chuyên ngành Marketing và Tài chính tại Mỹ, từng kinh qua các lĩnh vực như giải trí, may mặc, khai thác kim cương, thiết kế nội thất, công nghệ thông tin - tại nhiều nơi như Hồng Kông, Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc, Anh… Eileen thừa tự tin để tiếp tục làm một nhà quản trị chiến lược cho trung tâm mua sắm và giải trí Saigon SuperBowl, Việt Nam.
Những chuyên gia cao cấp luôn di dộng và làm việc tại khắp nơi trên thế giới như Eileen được xem là công dân tích cực của thế giới phẳng. Được đào tạo bài bản, hưởng điều kiện tối ưu và luôn được yêu cầu mang lại kết quả tối ưu, những nhà quản lý như Eileen không thuộc về một nơi cụ thể. Họ luôn bận rộn với những thay đổi, thích nghi, thuyên chuyển để trở nên “bén” khi đến chinh phục các thị trường khác nhau.
Đảm trách chức danh Giám đốc Marketing tại trung tâm mua sắm, giải trí Saigon Superbowl, đối với Eileen, phía trước còn nhiều thử thách. Là trung tâm mua sắm đầu tiên tại Tp.Hồ Chí Minh, năm nay SuperBowl kỷ niệm mười năm hoạt động. Đây cũng là thời điểm đánh dấu sự thay đổi lớn mà tập thể nhân viên và lãnh đạo công ty đang chuẩn bị cho một dự án cải tạo sẽ hoàn tất vào năm sau. SuperBowl sẽ được xây dựng theo mô hình “Một Điểm Dừng”, cải thiện hình ảnh là trung tâm giải trí của doanh nhân Hàn Quốc, thay vào đó là chiến lược nhắm vào cộng đồng đa dạng hơn.
Đối với những doanh nhân thường xuyên di chuyển bằng máy bay, các quốc gia không còn là quốc gia, mà là những trạm trung chuyển. Cái nhìn về một nước cũng theo đó mà có góc độ khác- trở nên nhỏ và hiển thị thành một chuỗi những điểm kết nối trong dòng chảy thương mại tự do, trong đó Ấn Độ và Việt Nam nổi lên như hai điểm sáng thu hút đầu tư có chung lợi thế về lực lượng lao động. Khi nhận nhiệm vụ tại Việt Nam, Eileen đặc biệt chú trọng việc nâng cao chất lượng nhân sự. Tất cả nhân viên SuperBowl đều phải tham gia các khóa đào tạo tiếng Anh được tổ chức ngay tại công ty. Cần cù và hết lòng với công việc là thái độ Eileen đánh giá cao ở một người nhân viên giỏi. Eileen cho biết, kinh tế càng phát triển, người lao động càng siêng năng vì nhận thức được lợi ích của công ty gắn liền với lợi ích của họ.
Đi nhiều, quan sát nhiều, nghiện báo và Marlboro Red, tất cả tinh anh, từng trải và suy tư của người đàn bà gầy guộc dồn cả vào đôi mắt đen lóng lánh như đá mắt mèo. Eileen không nói nhiều nhưng ngôn ngữ qua đôi mắt cô biểu đạt được gấp đôi, gấp ba lời nói. Có lẽ niềm vui sống lớn nhất của Eileen là công việc, nên đến bây giờ cô vẫn độc thân. Đơn độc trên cuộc hành trình dài không còn là sự hy sinh hay chịu đựng, khi mà cô đơn đã trở thành tín niệm, thành “pháp”.
Tết Trung thu đầu tiên ở Việt Nam, Eileen háo hức gửi những chiếc lồng đèn giấy cho cháu cô ở Singapore, nơi mà bây giờ trẻ em chỉ có lồng đèn nhựa. Dù công tác ở đâu, người đàn bà điềm đạm có nụ cười ngọt ngào này vẫn giữ thói quen đi chùa lễ Phật cầu may. Đó là một nét đẹp văn hóa có thể khiến người hoài cổ mỉm cười trong niềm hạnh phúc lâng lâng mà yên tâm rằng, xuyên suốt dòng chảy bất tận những tưởng đã kín đầy của cuộc sống hiện đại, vẫn luôn tồn tại những khe hở, những ngóch ngách là nơi tiếng nói của ngàn xưa, của Tổ tiên, niềm tin và tín ngưỡng vọng về.
Những người mới đến Việt Nam dễ bị choáng ngợp bởi sự thân thiện và cởi mở của người dân ở đây, cảm giác được vỗ về, chìu chuộng trong sự “trao” văn hóa một chiều. Những ấn tượng như thế thường đẹp nhưng không bền. Đối với Eileen, ngôn ngữ là phương tiện mang cô lại gần với đời sống mỗi nơi cô đến. Đến Indonesia, tập nói tiếng Indonesia, đến Thái, nói tiếng Thái, giờ đây ở Việt Nam, Eileen chăm chỉ học tiếng Việt.
Những đồng nghiệp nam may mắn có vợ Việt thường tự hào về cuốn từ điển sống của họ, gọi âu yếm là từ-điển-tóc-dài. Liệu ở nơi này, một ngày nào đó, có từ-điển-tóc-ngắn nào đang đợi để gặp Eileen không nhỉ?
Quế Anh
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment