5.18.2009

SÀI GÒN CHẬM

Sài gòn không chậm- chưa bao giờ- trong ý nghĩa đích thực của nó. Ngay cả khi Sài Gòn còn mang khuôn mẫu của một thị trấn, bourg, kiểu Pháp thì nó vẫn luôn đầy ắp vẻ nhộn nhịp của một trung tâm thông tin, chính trị, kinh tế. Trong một khoảnh khắc hiếm hoi im bặt tiếng ồn của một chiều cuối tuần, trung tâm Sài Gòn qua ô cửa kiếng trên cao là những dòng người-xe trôi mải miết. Một vài người đạp xe thong dong, người đi bộ bước thấp bước cao như đang nhún theo một điệu nhạc dường như là những di chuyển chậm duy nhất tách khỏi dòng chảy, tiệm tiến nhẹ nhàng, không có vẻ gì như đang bị bỏ lại. Chỉ những di chuyển chậm là còn rõ hình thể! Bất chợt nhận ra rằng, khi đứng từ một khoảng cách đủ xa, người ta sẽ được thấy cuộc sống ngoài kia trôi chậm. Sài Gòn chậm khi người ta dừng lại đủ lâu, ngắm nghía nó và sống chậm. Từ cà phê chậm… Cà phê Sài Gòn đã trở thành công nghệ với đầy đủ sự đa dạng về mô hình và rõ ràng về định vị. Không một con đường nào không có ít nhất một quán cà phê nổi tiếng. Không một toà nhà nào vắng bóng mô hình cà phê terrace. Cà phê ở Sài Gòn nhiều và hoành tráng đến nỗi người ta dễ cho ra rằng nó là một trong những phương tiện phản ánh văn hoá sống động nhất của Sài Gòn. Thưởng thức cà phê chậm, nghĩa là trả lại cho chính mình sự cần thiết của thú nhàn tản, tập một thói quen rất đỗi bình dị - thưởng thức cuộc sống. Vào quán, thay vì gọi một ly cà phê pha sẵn, hãy gọi một shot càphê phin. Thú vui của thưởng thức chậm đến từ những hành vi tỉ mẩn tưởng như thừa, đó là pha cà phê. Thực tế, khi được làm với một sự chú tâm, chăm chút, pha trà hay pha cà phê sẽ mang lại cho người thưởng thức những khoảnh khắc hạnh phúc. Chậm, nghĩa là thay vì vội vàng cà phê sáng để nhai nốt bản tin thời sự, hãy bù bằng một chiều cuối tuần thong thả bên tách cà phê phin, dọn mình cho một cuốn sách của những tư tưởng đẹp. Chậm, nghĩa là thay vì huyên thuyên nói, hãy lặng yên nghe, hoặc chiêm ngưỡng những bước chân bát phố điệu đà, tự tin. Bất kể phong cách nào, Tây hay Ta, hộp hay vườn, classicism hay neo classical, những quán cho người ngồi cảm giác được quyền chậm mà không thấy lạc lõng thường là những nơi đáp ứng được cả hai yếu tố: một, không đồng hoá người ngồi với phong cách của quán; hai, quán không là phiên bản lặp của những khẩu vị đã quá quen. Một sáng ở Givral, một chiều ở Broadard, hay một tối ở Le Fenêtre Solei, người đến sẽ nhận ra một phần tính cách của dân thành thị không mất đi đâu được dù Sài Gòn ngổn ngang đa văn hoá- đó là sự e thẹn và thanh lịch. Đến du lịch chậm… Rảo bước khu trung tâm Sài Gòn, hiếm khi gặp người Việt, nhất là người Việt thong thả. Ai ai cũng hối hả, mải miết trên xe máy, taxi, xe bus, ô tô đời mới… người giàu theo kiểu của người giàu, người nghèo theo kiểu của người nghèo. Tiếp xúc với một nhóm thanh niên Anh quốc, khi hỏi các bạn trẻ thấy điều gì thú vị khi du lịch Việt Nam, các bạn cho biết thanh niên các nước châu Âu bây giờ không thích đi du lịch theo tour kiểu phải đến, phải xem, phải chơi ở những địa danh nào đó. Họ thích tự khám phá, tự chăm sóc bản thân, được nghỉ ngơi đúng nghĩa. Đây là trào lưu Du lịch chậm đang hiền hoà lan rộng trong thanh niên các nước phương Tây. Được biết, với họ, hai đất nước đang phát triển hứa hẹn nhiều kinh nghiệm thú vị cho du lịch chậm là Ấn Độ và Việt Nam. Việt Nam nói chung và Tp. Hồ Chí Minh nói riêng không phải là thiên đường mua sắm, cũng không phải đô thị lớn với những tụ điểm ăn chơi xa hoa bóng bẩy. Những người được hỏi đều nói họ thích Việt Nam vì cuộc sống và con người ở đây dung dị, hiền hoà. Eric, một thanh niên người Anh, gốc Ý, hồ hởi kể: “Ở Hội An, chúng tôi thuê xe máy và đi theo hướng dẫn đến biển Bà Nà. Ở Tp. Hồ Chí Minh, chúng tôi thích đi bộ hoặc thuê xe đạp đi chùa và dạo quanh thành phố. Người dân ở đây rất cởi mở, thích nói chuyện với khách du lịch và chúng tôi cũng vậy. Nói chuyện với người địa phương là một cách thực tế để hiểu sâu về cuộc sống ở đây.” Amanda, nghiên cứu sinh chuyên ngành Hoá, Đại học Liverpool, cho biết thêm: “Ở Việt Nam tôi thích nhất là đi chợ. Văn hoá chợ Việt Nam ở mỗi vùng miền rất khác nhau, đặc biệt là miền Trung. Trào lưu du lịch chậm hiện đang phổ biến ở Anh và châu Âu, đặc biệt là Pháp, Thuỵ Sĩ, Đức và Ý- quê hương của trào lưu dinh dưỡng chậm. Vào kỳ nghỉ, thay vì ở khách sạn, chúng tôi thường thuê hẳn một nơi để sống, thường trong khoảng một tuần. Chúng tôi tự đi chợ và nấu ăn. Buổi sáng thì chạy bộ quanh khu dân cư và uống cà phê ở những quán nhỏ trong thị trấn. Ở Việt Nam chúng tôi chưa thấy loại hình du lịch này.” Kết Sài Gòn như một tấm gương tráng thủy lớn. Khách du lịch đến, soi mình, chiêm nghiệm, rồi đi. Ở lại vẫn là những cư dân Sài Gòn ngày đêm miệt mài hối hả chạy qua chạy lại trước tấm kính lớn mà không buồn dừng bước ngước lên nhìn. Người Sài Gòn ơi, sống chậm lại tí! QA.

No comments:

Post a Comment